Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”

Ngày 10 tháng 4 năm 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án EU JULE tổ chức Hội thảo “Triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”.

z5352429189655_f7166f76a80312e9415993a9995d7133.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và ông Lê Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật.

z5352446007613_4017ea0ca3706755c3036db1b941f106.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật trả lời các nội dung vướng mắc của đại biểu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Cục trưởng nhấn mạnh theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) là hoạt động quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan nhằm đảm bảo thực thi có hiệu quả việc sử dụng pháp luật như công cụ quan trọng bậc nhất để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Trong hoạt động theo dõi tình hình THPL, các cơ quan Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt; thông qua đó các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ, theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan để thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của được giao.

Buổi hội thảo tập trung về 05 chuyên đề chính bao gồm:

Chuyên đề 1: Một số vấn đề chung về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật do ông Nguyễn Quốc Hoàn -  Cục trưởng trình bày đã khái quát nhưng vấn đề quan trọng cần lưu ý đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Chuyên đề 2: Kỹ năng, nghiệp vụ xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật do ông Lê Thanh Bình - Phó Cục trưởng trình bày. Đây là chuyên đề mang tính chất chuyên môn giúp cho đội ngũ người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật. Báo cáo viên đã nhấn mạnh một số kỹ năng về xem xét đánh giá tính kịp thời đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật là nội dung quan trọng trong hoạt động theo dõi tình hình THPL. Cụ thể:

- Văn bản quy định chi tiết được ban hành phải có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. Như vậy sẽ khắc phục tình trạng luật “chờ” nghị định, thông tư như trước đây.

- Tính hợp hiến, hợp pháp thể hiện ở việc phải đảm bảo Hiến pháp là đạo luật có tính pháp lý cao nhất, mọi văn bản ban hành không được trái với quy định của Hiến pháp. Văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp về nội dung, ban hành đúng trình tự, thủ tục, phải tuân theo quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày.

- Tính đồng bộ, khả thi đòi hỏi phải nhất quán trong toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, không có sự mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Các quy định phải phù hợp với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển và điều kiện đảm bảo thực hiện.

Chuyên đề 3: Kỹ năng, nghiệp vụ xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình THPL. Để xây dựng và thực thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình THPL cần thực hiện 07 bước gồm (1) Xác định mục đích, yêu cầu của việc xây dựng Kế hoạch theo dõi tình hình THPL; (2) Xác định lĩnh vực trọng tâm; (3) Các hoạt động cụ thể và tiến độ thực hiện; (4) Xác định trách nhiệm, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kế hoạch; (5) Xác định các yêu cầu tối thiểu đảm bảo thực hiện kế hoạch; (6) Dự thảo và trình ký Kế hoạch, Quyết định phê duyệt Kế hoạch; (7) Triển khai thực hiện Kế hoạch.

Chuyên đề 4: Kỹ năng, nghiệp vụ thu thập thông tin, kiểm tra, xử lý kết quả và xây dựng báo cáo theo dõi tình hình THPL.

Thu thập và xử lý thông tin là hoạt động quan trọng vì nó luôn phản ánh hiện thực của đời sống xã hội, được tổng hợp từ nhiều nguồn như: thông tin trên báo, đài, mạng Internet, dư luận xã hội, thông tin qua công tác thanh tra, kiểm tra,….

Chuyên đề 5: Kỹ năng lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo cho công tác theo dõi tình hình THPL.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương như vai trò, nhiệm vụ của các đơn vị quản lý chuyên ngành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, việc thực hiện điều tra, khảo sát, phần mềm quản lý và một số nội dung liên quan đến lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024… Các báo cáo viên của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật đã giải đáp, hướng dẫn các nội dung ý kiến của đại biểu tham dự và một số giải pháp, phương hướng để thực hiện tốt hơn công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới./.

 

Lê Thùy

 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​