Đa dạng hoá phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở

​        Đó là nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền miệng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được tăng cường về số lượng và chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Tuy nhiên, một số cấp uỷ chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng. Một số nơi chất lượng hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế, thiếu sắc bén, tính thuyết phục, tính chiến đấu chưa cao, chậm đổi mới nội dung, phương thức; việc cung cấp thông tin có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiếp tục phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng. Phối hợp chặt chẽ, tạo sự đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với lực lượng nòng cốt là ban tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Đối với chủ trương, chính sách quan trọng, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trách nhiệm định hướng, phổ biến, quán triệt, bảo đảm thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

2. Đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng, nhất là những nội dung về nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước, của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kết hợp hài hoà với cung cấp thông tin về tình hình trong nước và quốc tế, thực tiễn của địa phương, đơn vị, gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch; bảo đảm tính toàn diện, cân đối, thiết thực, sát hợp và hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.

3. Đa dạng hoá phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng, hướng mạnh về cơ sở; kết hợp tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; tăng cường hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn, vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.

4. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương, tỉnh, huyện; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở. Cấp uỷ đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thuộc phạm vi phụ trách, chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Đối với Sở Tư pháp, thời gian qua đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền miệng và đạt được nhiều kết quả nổi bật góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân./.

 

Theo pbgdpl.dongnai.gov.vn

 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​