UBND huyện tổ chức hội nghị phát động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023 huyện Xuân Lộc

Thực hiện Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 09/10/2023 của UBND huyện về việc tổ chức hội nghị triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Sáng ngày 19/10/2023, tại Nhà Văn Hóa huyện, UBND huyện tổ chức hội nghị phát động hưởng ứng hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

 z4855963757653_fad73665dcee270746083e79e7decb6c.jpg

Đ/c Huỳnh Thị Lành - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc và phát động hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Dự hội nghị có Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện; Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã, thị trấn; Công chức được giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện dân chủ ở cơ sở; công chức Tư pháp – Hộ tịch của UBND các xã, thị trấn; Trưởng Ban công tác Mặt trận 92 khu, ấp các xã, thị trấn; Trưởng các khu, ấp các xã, thị trấn.; Đại diện Ban Giám hiệu và viên chức tham mưu thực hiện dân chủ ở cơ sở của các trường học trên địa bàn huyện.

Tại buổi lễ, đồng chí Huỳnh Thị Lành - Phó chủ tịch UBND huyện đã phát biểu khai mạc hội nghị phát động hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam” (9/11 hàng năm) trên địa bàn huyện; Các tiết mục văn nghệ chào mừng cũng được diễn ra sôi nổi. Hội nghị tuyên truyền 03 nội dung pháp luật chính bao gồm: sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; hiểu biết và tuân theo pháp luật vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần gương mẫu chủ động học tập, tìm hiểu, chấp hành hiến pháp, pháp luật. Đồng thời Đ/c Huỳnh Thị Lành - Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện có bài phát động hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam” với nội dung như sau:

1.    Cơ sở pháp lý của Ngày Pháp luật

Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 nhưng tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, ngày 09/11 – Ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngày Pháp luật); đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Cụ thể hóa Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 04 tháng 4 năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật theo đó, nội dung, hình thức; trách nhiệm hướng dẫn nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật và trách nhiệm tổ chức Ngày Pháp luật được cụ thể hóa tại Chương 2 của Nghị định.

2. Nội dung tổ chức Ngày Pháp luật:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ: Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của Nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Vận động Nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

3. Hình thức tổ chức Ngày Pháp luật:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ bao gồm: Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; Thi tìm hiểu pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

4. Mục đích, ý nghĩa của ngày Pháp luật:

Mục đích, ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật là để nhân dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền - lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân:

Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen. Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 z4855963751026_020615268462ac3e5432dd843bb98a0f.jpg

 Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm

Cùng ngày, các đại biểu được nghe Tiến sỹ - Phan Minh Phụng – Báo cáo viên Pháp Luật, Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Công nghệ TP. HCM, Viện Phó Viện Công nghệ đào tạo nguồn nhân lực Asean triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn của Luật là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Qua hội nghị giúp đại biểu có thêm các kiến thức, phương pháp thực hiện Luật dân chủ ở cơ sở, từ đó có thể vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương trong thời gian tới.

Sau khi các đại biểu tham dự hội nghị xong, các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện và phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân bằng các hình thức phù hợp nhằm đảm bảo nhân dân nắm rõ các quy định pháp luật để thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”./.


​Nguyễn Hữu Minh - Phòng Tư pháp huyện Xuân Lộc

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​