MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TỔ CHỨC THI HÀNH PHÁP LUẬT

Viên Hồng Tiến               

                                                                                                            Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là một tỉnh có tốc độ phát triển cao, dân số trên 3 triệu người với hơn 1 triệu công nhân lao động, dân có đạo chiếm 70% dân số, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2016 đạt 77,3 triệu đồng.
FullSizeRender (1).jpg
Đồng chí Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại hội nghị
Trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, thực tiễn cuộc sống có rất nhiều vấn đề phát sinh, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải không ngừng phát triển để trở thành một công cụ quản lý xã hội hiệu quả. Yếu tố quan trọng để đưa pháp luật vào cuộc sống là công tác tổ chức thi hành pháp luật. Chính vì vậy việc xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” là một việc làm cần thiết. Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật như sau:

Thứ nhất là phải chú trọng và nâng cao hiệu quả việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cái gốc của vấn đề, muốn pháp luật thực sự được thi hành nghiêm chỉnh, thực sự đi vào cuộc sống thì trước hết văn bản pháp luật đó phải phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Để làm được điều này thì trước khi xây dựng dự thảo văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo cần khảo sát tình hình thực tế của vấn đề được điều chỉnh trong văn bản pháp luật đó. Việc khảo sát này phải tiến hành thực chất và hiệu quả, đúng vấn đề, đúng đối tượng. Sau khi lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp và cân nhắc các vấn đề, tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh để tham mưu ban hành văn bản pháp luật phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần khắc phục tình trạng văn bản pháp luật của cấp trên phải chờ văn bản hướng dẫn chi tiết của cấp dưới để thi hành như luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Công tác soạn thảo các văn bản pháp luật phải có tính đồng bộ giữa các cơ quan liên quan để văn bản có hiệu lực sớm đi vào cuộc sống.

Thứ hai là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Thực tế của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả công tác này thì cần đổi mới và đa dạng phương thức tuyên truyền. Cần phát huy tối đa vai trò của tổ hòa giải ở cơ sở và các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, mặt trận tổ quốc…Toàn tỉnh hiện có 552 báo cáo viên pháp luật (tỉnh: 138, huyện: 314), 2.178 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và 1.007 tổ hòa giải, với 6.039 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành đạt 84,2%. Mỗi thành phần nòng cốt của các tổ chức trên sẽ đóng vai trò là những tuyên truyền viên về pháp luật để tuyên truyền cho nhân dân về pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng nên có chỉ đạo và đưa vào nội dung nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc tuyên truyền pháp luật đến nhân dân nơi cư trú, xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công vụ của mỗi người, việc tuyên truyền này sẽ thông qua các buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố.

IMG_2101.JPG
Đồng chí Võ Văn Chánh - PCT UBND tỉnh tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác XLVPHC

Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai luôn coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức, tính đến 9/2017, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa đã tổ chức trên 13.155 cuộc, có trên 1,3 triệu lượt người tham dự, số tài liệu tuyên truyền được cấp phát là 161.777 tài liệu, số lần phát sóng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, Đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống loa truyền thanh cơ sở 29.944 lần, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai đã đăng tải trên 800 tin, bài. Đồng thời tổ chức ký kết quy chế phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giữa Sở Tư pháp, Đài Phát thanh – Truyền hình Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai giai đoạn 2016 – 2020, quy chế phối hợp với Ban chỉ đạo công tác tư pháp của tỉnh; quy chế phối hợp trong xây dựng pháp luật với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Thứ ba là khẩn trương tổ chức triển khai thi hành các văn bản pháp luật sau khi được ban hành, sau khi một văn bản pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành thì địa phương luôn chủ động tổ chức triểnkhai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân và xây dựng kế hoạch để thực hiện. Cụ thể như Bộ luật dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trẻ em, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo… Như vậy thì khi văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành, các đối tượng được điều chỉnh đã nắm bắt được để thi hành đúng pháp luật, tránh tình trạng văn bản có hiệu lực thi hành rồi nhưng người dân chưa được biết.

Thứ tư là tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật. Công tác theo dõi thi hành pháp luật hiện nay còn chung chung, chưa cụ thể và chưa thường xuyên, chủ yếu là thông qua hoạt động kiểm tra định kỳ theo kế hoạch. Để công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực chất và hiệu quả thì điều đầu tiên cần có một văn bản pháp luật có tính hiệu lực cao hơn, quy định cụ thể hơn về cơ chế theo dõi thi hành pháp luật và đội ngũ làm công tác này. Cụ thể là nên sớm ban hành Luật theo dõi thi hành pháp luật theo hướng quy định chặt chẽ hơn về cơ chế theo dõi, trao quyền cho cơ quan làm công tác theo dõi như một cơ quan thanh tra chuyên ngành, được quyền xử phạt khi phát hiện có vi phạm. Bên cạnh đó, cũng phát huy tối đa vai trò của các tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc trong việc theo dõi thi hành pháp luật.

Thứ năm là thường xuyên thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm xảy ra. Đồng thời tạo thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân. Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thực hiện thường xuyên, kết hợp giữa việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Đồng thời việc thanh tra, kiểm tra phải thực chất, thiết thực và hiệu quả, qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp khắc phục, đồng thời xử lý những sai phạm xảy ra, nhằm tăng tính răn đe của pháp luật, tạo ra ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong xã hội.

FullSizeRender.jpg
     
Đồng chí Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại Hội nghị về Công tác XLVPHC tại tỉnh Quảng Bình


 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​