SỞ TƯ PHÁP TỔ CHỨC TỌA ĐÀM, TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

      ​Luật tín ngưỡng, tôn giáo Số 02/2016 được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2018. Để hiểu rõ hơn những điều khoản quy định của Luật này, cũng như công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 12/9/2017 Sở Tư pháp phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai tổ chức Truyền hình trực tiếp trên kênh Đồng Nai 2 (ĐNRTV2) tọa đàm tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với chủ đề hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo “quyền và nghĩa vụ”. Đến tham dự chương trình có đồng chí Huỳnh Văn Tới – UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đồng chí Viên Hồng Tiến – Giám đốc Sở Tư pháp, đồng chí Nguyễn Quốc Vũ – Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh.
HINH TOA DAM 13-9-2017.png 
 Hình ảnh. Đồng chí Viên Hồng Tiến – Giám đốc Sở Tư pháp tại buổi truyền hình trực tiếp

Theo ông Viên Hồng Tiến Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp 2013 nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Ngày 18/11/2016, với 84,58%  đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo với nội dung có nhiều điểm mới nổi bật cần lưu ý như:

Thứ nhất, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được mở rộng thành quyền của mọi người chứ không riêng của công dân. Chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Pháp lệnh là “công dân”, giới hạn bởi yếu tố quốc tịch. Luật đã quy định thành “mọi người” về mặt chủ thể rộng hơn.

Thứ hai, về vấn đề tín ngưỡng, quyền tự do tín ngưỡng được quy định thành một chương riêng với nhiều điều khoản cụ thể; người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, người  nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ tư, điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo. Tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được công nhận là tổ chức tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện: hoạt động ổn định, liên tục từ đủ 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp chứng nhận đăng ký hoạt dộng tôn giáo; có hiến chương theo quy định; người đại diện, người lãnh đạo tổ chức là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự); có cơ cấu tổ chức theo hiến chương; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Thứ năm, Luật tín ngưỡng, tôn giáo còn những điểm mới khác như: mở rộng các hoạt động của tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo theo hướng phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia sâu vào các hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo. Luật cũng phân định trách nhiệm của công dân, của người có tín ngưỡng, tôn giáo trong thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đây là chương trình định kỳ hàng tháng nằm trong Kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (2016-2020), gữa Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, Đài phát thanh – Truyền hình, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai. Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phát huy vai trò, tính chất công việc của từng cơ quan để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, công tác tuyên truyền. 

 

Thanh Hiếu

 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​