Nâng cao chất lượng và tổ chức bộ máy Trung tâm trợ giúp pháp lý trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

​​                                                                                                                                                            ThS. Viên Hồng Tiến
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai
Đồng Nai là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dân số trên 3 triệu người, tỷ lệ người có đạo chiếm gần 70%, người dân tộc thiểu số chiếm 8%, có 31 khu công nghiệp với 1 triệu công nhân lao động. Toàn tỉnh, có 9 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố, 171 xã, phường, thị trấn. Hệ thống Chi nhánh trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được thành lập từ rất sớm vào năm 2001 trước khi có Luật trợ giúp pháp lý ra đời.

Năm 2001, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 08 Chi nhánh trợ giúp pháp lý tại cấp huyện, với 27 viên chức. Đến năm 2004, địa giới hành chính tỉnh tăng 02 huyện, do đó hình thành thêm 02 Chi nhánh là Thống Nhất và Cẩm Mỹ; tổng số Chi nhánh hiện nay là 10 với số lượng 20 viên chức.

Qua thực tiễn hơn 10 năm hoạt động, Chi nhánh trợ giúp pháp lý các huyện đã thực hiện tư vấn được 21.759 trường hợp là đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí. Tham gia tố tụng 527 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 115 vụ việc, thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở là 432 cuộc, hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý 32.015 buổi. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò của Chi nhánh trợ giúp pháp lý trong hệ thống trợ giúp pháp lý cả nước.

Để hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), xin tham gia một số nội dung sau:

Thứ nhất, do tính chất đặc thù trong hoạt động trợ giúp pháp lý, việc tiếp cận pháp luật và thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách và các diện khác theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý với mục đích là đưa pháp luật vào cuộc sống và hướng về cơ sở để phục vụ ngày càng tốt hơn việc thực thi pháp luật, giúp đỡ nhân dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật (nhóm đối tượng đặc thù được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật trợ giúp pháp lý) và căn cứ vào điều kiện kinh tế, điều kiện đặc thù của từng vùng miền ở các địa phương trong phạm vi cả nước, nhận thức pháp luật của nhân dân (người dân tộc, người nghèo) phân bổ tại nhiều khu vực khác nhau, nhưng đều tập trung sinh sống tại những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, việc đưa chế định Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước vào Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi là phù hợp với thực tế khách quan, mang tính kế thừa, đáp ứng mục đích bảo đảm dịch vụ trợ giúp pháp lý mang đến gần dân tại những địa bàn đặc thù.

Tuy nhiên, phần cơ cấu tổ chức của Trung tâm trợ giúp quy định “Trung tâm là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, do UBND tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác” mà không ghi Chi nhánh của Trung tâm, trong khi Điều 11a lại quy định về Chi nhánh của Trung tâm như vậy là chưa logic.

Thứ hai, theo dự thảo, vị trí Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được quy định tại Điều 11a và thể hiện cụ thể tại các khoản 1, 2, 3, cơ bản nhất trí với các điều khoản đã quy định. Tuy nhiên, trong khoản 2 có cụm từ “căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước” cụm từ này nên thay đổi vì quy định như vậy giống Luật 2006 và không phù hợp với khoản 1“Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý…” về quản lý nhà nước Sở Tư pháp là đơn vị quản lý trực tiếp hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý. Thiết nghĩ Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của Trung tâm thì nên để Sở Tư pháp quyết định thành lập các Chi nhánh theo đề xuất của Trung tâm theo điều kiện thực tế địa phương và đáp ứng được việc thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý của Chính phủ giai đoạn 2015 - 2025; đảm bảo chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, đẩy mạnh việc thực hiện tham gia tố tụng (theo hướng sáp nhập, sắp xếp một cách phù hợp và tinh gọn). Quy định như vậy sẽ phù hợp và chặt chẽ hơn, vừa bảo đảm tính đổi mới, vừa kế thừa Luật trợ giúp pháp lý năm 2006, các quy định về Chi nhánh trong Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, quy chế hoạt động mẫu của Trung tâm và Chi nhánh do Bộ Tư pháp ban hành trước đây.

Thứ ba, theo khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) quy định “Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, cơ sở vật chất của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước”; và khoản 3 Điều 11a lại quy định “Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức hoạt động của Chi nhánh Trung tâm”, như vậy là lặp lại không cần thiết, nên nghiên cứu diễn đạt để tránh trùng lắp.

 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​