Nhằm chuẩn bị cho việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Luật
sư thay thế Luật Luật sư năm 2006, sáng ngày 07/5/2024, Cục Bổ trợ tư pháp tổ
chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi Luật Luật sư năm 2006 tại Thành
phố Hồ Chí Minh do bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư
pháp chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam; đại diện
Sở Tư pháp, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An,
Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện công
ty Luật nước ngoài, Văn phòng Luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục
trưởng Cục Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp cho biết Luật Luật sư được Quốc hội khóa
XI thông qua vào ngày 29/6/2006 và được sửa đổi năm 2012. Sau hơn 17 năm thực
hiện, Luật Luật sư đã đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả, hành lang pháp lý
cho tổ chức và hoạt động của luật sư phát triển. Tuy nhiên, Luật Luật sư cũng đã
bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển
của tổ chức hành nghề luật sư.
Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến phát biểu, đề xuất sửa đổi một
số quy định còn bất cập của Luật Luật sư; một số luật sư có kinh nghiệm lâu năm
đã đánh giá tổng quan, bức tranh chung về việc hành nghề luật sư. Cụ thể dự thảo
Luật sửa đổi cần bám sát nhu cầu thực tiễn của đời sống; thực tiễn dịch vụ pháp
lý; dịch vụ tố tụng hiện nay làm phát sinh các vấn đề mới và cần phải sửa đổi. Các
vấn đề cần sửa đổi phải có luận chứng khoa học để đánh giá chính xác, cần tham
khảo kinh nghiệm quốc tế để có cái nhìn phù hợp trong việc sửa đổi. Qua đó, đề
xuất sửa đổi, bổ sung vào công tác xây dựng luật để hoạt động luật sư ngày càng
phát triển và chất lượng.

Đại biểu tham gia Hội thảo phát biểu tham luận
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng
chí chủ trì ghi nhận những ý kiến đóng góp để nghiên cứu tham mưu, đề xuất những
nội dung trên trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi Luật Luật sư nhằm khắc
phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về luật
sư và hoạt động của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, góp phần xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Hồng Phước