Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức

         ​Để có cơ sở thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị được nhanh chóng, kịp thời cũng như nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ cho đội ngũ công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp, ngày 13/4/2022, Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định số 85/QĐ-STP ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và quá trình thực thi công vụ trong phạm vi, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp. Đây là văn bản đầu tiên của Sở Tư pháp được ban hành dưới hình thức Quyết định quy định về quy trình, hình thức tiếp nhận, trách nhiệm đối với từng phòng chuyên môn và tương đương, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở trong việc tham mưu giúp Giám đốc Sở tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính và quá trình thực thi công vụ thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp.

Kết cấu của Quy chế gồm 3 Chương, 10 điều ghi nhận nội dung tiếp nhận phản ánh, kiến nghị liên quan đến công tác giải quyết thủ tục hành chính, việc thực thi công vụ thuộc phạm vi, chức năng, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp. Quy chế nêu rõ địa chỉ, cách thức gửi phản ánh, kiến nghị, thời gian tiếp nhận phản ánh, kiến nghị kể cả ngoài giờ hành chính thông qua trang Zalo của Sở Tư pháp và số điện thoại di động của Chánh Văn phòng Sở; trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc tiếp nhận, phản ánh kiến nghị. Văn phòng Sở là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và đôn đốc việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Thông tin được tiếp nhận, giải quyết là các vướng mắc cụ thể do hành vi của công chức, viên chức thuộc Sở Tư pháp, các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp gây chậm trễ, phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và trong thực thi công vụ. Đặc biệt, Quy chế còn xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu của tổ chức hành nghề bổ trợ đối với trường hợp phản ánh, kiến nghị của người dân đối với nhân viên thuộc các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp thì người đứng đầu tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp kiểm tra, xác minh, xử lý. Trường hợp có sai phạm thì chuyển Thanh tra Sở xử lý theo quy định.

 Với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng sẽ kéo theo nhịp sống xã hội sôi động hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều hơn, đa dạng và phức tạp hơn, do đó cũng sẽ dẫn đến các nguy cơ sai phạm, cả ở phía các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh và các cơ quan quản lý. Do vậy, cùng với tâm lý thoải mái khi sử dụng các cách thức như Điều 5 Quy chế sẽ tạo được sự thuận tiện khi người dân, tổ chức lựa chọn hình thức phản ánh, kiến nghị để thông tin đến Sở Tư pháp về các hành vi, hiện tượng vi phạm. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc lựa chọn các hình thức phù hợp để chuyển tải thông tin đến các cơ quan nhà nước, đến người có thẩm quyền sẽ ngày càng có xu hướng tăng lên. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước nói chung Sở Tư pháp nói riêng làm thế nào để xử lý các thông tin này, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội và làm thế nào để khuyến khích người dân, tạo sự an toàn và tin tưởng cho người dân khi thực hiện việc kiến nghị, phản ánh.


Hồng Phước​

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​