Bài học của Bác về tinh thần đoàn kết

 

​          Mỗi mẫu chuyện về Bác là mỗi bài học giúp chúng ta trưởng thành hơn. Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là một trong những việc làm cần thiết để tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong của mỗi cán bộ, đảng viên ngành tư pháp của chúng ta.

          Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ở mỗi cơ quan, đơn vị sẽ có nhiều bộ phận, mỗi bộ phận cũng như mỗi cá nhân cần đặt nhiệm vụ chung của tập thể lên hàng đầu để tập thể ngày một phát triển. Tinh thần đoàn kết của tập thể sẽ tạo nên những giá trị bền vững và thiết thực. Để làm được điều đó, Bác đã dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết qua mẩu chuyện “Chiếc đồng hồ”.  Chuyện kể lại như sau:

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi: 

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:       

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?   

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình. 

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!

          Sau câu chuyện của Bác anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành. Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy, sau khi học xong ra phục vụ các ngành, nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai.

       Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng và Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.

* Qua mẩu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác gửi gắm đến chúng ta bài học: 

- Bài học nhận thức về vị trí việc làm, nỗ lực hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao: Mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ tương ứng với mỗi vị trí, nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong một tập thể. Mỗi vị trí, nhiệm vụ đều mang một ý nghĩa nhất định và gắn với từng con người cụ thể. Vì vậy, mỗi cá nhân, bộ phận phải nhận thức đúng và thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình. Không ôm đồm, thoái thác, né tránh hoặc đùn đẩy việc của mình cho người khác. Từng cá nhân thực hiện tốt và đúng chức năng, nhiệm vụ của mình là góp phần đem lại sự thành công của tập thể.

- Bài học về sự đoàn kết, thống nhất, giúp đỡ nhau vì lợi ích, nhiệm vụ chung của tập thể: Đối với cơ quan, đơn vị chúng ta cũng giống như một chiếc đồng hồ. Mỗi cá nhân, mỗi phòng, đơn vị là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn, dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắt xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi cá nhân - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Trong một tập thể mà mỗi người làm một hướng, người làm, người không hoặc đã phá, trù dập lẫn nhau thì không thể phát triển được. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải có sự đoàn kết, thống nhất, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ cá nhân, cần quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công việc, không câu nệ, kèn cựa, bè phái, cục bộ, chỉ nghĩ đến công việc của bản thân, không quan tâm đến công việc của đồng nghiệp.

Từ một chiếc đồng hồ, Bác đã gợi lên trong mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức về một bài học quý giá. Đó là hiện vật vô giá về tình đoàn kết trong mỗi đơn vị mà rộng hơn là tình đoàn kết trong một quốc gia. Đoàn kết để ổn định, để đổi mới và sáng tạo, để làm nên tất cả bỡi lẽ "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công".

Có lẽ, mỗi bài học mà Bác để lại là một bài học mà thế hệ trẻ ngành tư pháp chúng ta vô cùng trân quý. Từ những bài học của Bác, tự bản thân mỗi người cần nhìn nhận và rút ra những kinh nghiệm quý báu để có thể trưởng thành hơn, đóng góp công sức nhỏ bé của mình để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao phó. Nhất là trong bối cảnh tiến tới hợp nhất 02 Sở Tư pháp, chúng ta sẽ sắp xếp lại bộ máy của Sở Tư pháp, mỗi chúng ta có thể tiếp tục ở lại với vị trí của mình nhưng cũng có thể sẽ chuyển qua bộ phận mới, nhiệm vụ mới, tôi mong rằng bản thân tôi hay mỗi đồng chí ở đây dù ở bất cứ vị trí nào, được giao nhiệm vụ nào cũng sẽ luôn vững vàng, không nao núng tinh thần, không phân bì so sánh bởi vì mỗi công việc, mỗi vị trí đều sẽ mang đến những giá trị riêng, màu sắc riêng đóng góp cho thành quả của tập thể để tập thể Sở Tư pháp ngày một vững mạnh hơn, phát triển hơn nữa./.

​Nguyễn Hải​

Liên kết website

Xem thêm
Không có video clip.

Lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 02, đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​