Ngày 05/8/2025, Bộ Tư pháp có Công văn số
2537/BTP-KTVB&QLXLVPHC Hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực xử
lý vi phạm hành chính khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó xác định
khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp thì UBND
cấp tỉnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật
XLVPHC); Điều 39 Nghị
định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số
118/2021/NĐ-CP); khoản 3 Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của
Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính; khoản 4 Điều 2 Thông tư số 14/2021/TT-BTP ngày 30/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
quy định chi tiết thi hành một số điều của
Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý
kỷ luật trong thi hành pháp luật về
xử lý vi phạm hành chính; Điều 22 Nghị
định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc
gia về xử lý vi phạm hành chính; Nghị định số 68/2025/NĐ-CP ngày 18/3/2025 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày
23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
Xử lý vi phạm hành chính; Thông tư số 01/2023/TT-BTP ngày 16/01/2023 của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính (Thông tư số 01/2023/TT-BTP) và các quy định pháp luật có liên quan.
Đối với nhiệm vụ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được quy định
tại đoạn 1 điểm b khoản 2 Điều 39
Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các cơ
quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, UBND cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp để
Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND cấp tỉnh. Sở Tư pháp tham mưu, giúp Chủ tịch
UBND cấp tỉnh thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính tại địa phương. Trình tự,
thủ tục, thời hạn báo cáo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-BTP.
Khi sáp nhập tỉnh thì UBND cấp tỉnh (mới) tiếp tục thực hiện các nhiệm
vụ về quản lý xử lý vi phạm hành chính theo các quy định pháp luật đã nêu trên.
Như vậy, tổ chức chính quyền địa
phương 2 cấp không còn chính quyền cấp
huyện thì UBND cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật
về xử lý vi phạm hành chính năm gửi trực tiếp về Sở Tư pháp thay vì gửi UBND cấp huyện (Phòng Tư pháp) như trước đây. Sở Tư pháp có trách nhiệm
tổng hợp, tham mưu Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện báo
cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một khó khăn bước đầu
đối với việc tổng hợp báo cáo của Sở Tư pháp khi số lượng đầu mối tổng hợp sẽ
nhiều hơn rất nhiều so với trước đây, cụ thể trên địa bàn tỉnh đối với UBND cấp
xã là 55 đầu mối (trước đây chỉ tổng hợp đối với 11 UBND cấp huyện). Chính vì
vậy để đảm bảo báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu chính xác, giảm thời gian thì
cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổng hợp./.
Đồng Hoa