Từ ngày 01/7/2025, công chứng viên chỉ thực hiện việc chứng thực thì không được tính là hành nghề công chứng


  Luật Công chứng năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2024 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 với nhiều quy định mới so với Luật Công chứng năm 2014. Trong đó có quy định cụ thể hơn về phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên. Theo đó, tại khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng năm 2024 quy định "Hành nghề công chứng là việc công chứng viên của 01 tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan".

Mặt khác khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2024 quy định: "Công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng".

Như vậy, Luật Công chứng năm 2024 đã xác định rõ việc hành nghề công chứng là việc công chứng viên thực hiện việc công chứng giao dịch, chỉ khi công chứng viên thực hiện việc công chứng các giao dịch mới được xác định là hành nghề công chứng. Như vậy, mặc dù công chứng viên được giao thực hiện một số việc chứng thực nhưng nếu công chứng viên không thực hiện việc công chứng giao dịch mà chỉ thực hiện việc chứng thực thì vẫn không được tính là hành nghề công chứng. Quy định này khác với Luật Công chứng năm 2014 "Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng".

Thực tế thời gian qua có tình trạng nhiều công chứng viên "cho thuê", "cho mượn" thẻ công chứng viên để thành lập, đăng ký hoạt động các văn phòng công chứng với vai trò công chứng viên hợp danh, thậm chí là trưởng văn phòng, nhưng thực tế không hành nghề công chứng, không công chứng các hợp đồng, giao dịch và để duy trì việc hành nghề công chứng theo quy định thì những công chứng viên này thỉnh thoảng thực hiện công chứng các bản dịch, chứng thực sao y bản chính.

Với quy định mới này của Luật Công chứng năm 2024 thì công chứng viên buộc phải công chứng các hợp đồng, giao dịch thì mới được xác định là hành nghề công chứng nhằm khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014 về phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của công chứng viên, tạo thuận lợi cho việc ký kết các giao dịch, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng./.

Đồng Hoa

Liên kết website

Xem thêm
Không có video clip.

Lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 02, đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​