Ngày 10 tháng 3
năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Tăng cường kỹ
năng, nghiệp vụ khai thác, quản lý vận hành và đề xuất giải pháp tăng cường ứng
dụng công nghệ thông tin đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về pháp luật”
và Hội thảo “Lấy ý kiến góp ý các dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Tham dự Hội thảo
có đại diện các Sở Tư pháp và đại diện một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh Hội thảo
Sau hơn 10 năm đưa
vào khai thác và sử dụng chính thức trên mạng internet, CSDLQG về pháp luật đã
cung cấp tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ nhu cầu tiếp cận,
tra cứu, áp dụng và thi hành pháp luật cho người dân, doanh nghiệp và các cơ
quan nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức triển khai quản lý, duy trì, cập
nhật trên Hệ thống phần mềm đã và đang tồn tại một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng
không nhỏ đến hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, khai thác, sử dụng CSDLQG
về pháp luật. Tại Hội thảo lần này, đại diện Bộ Tư pháp đã trao đổi một số vấn
đề về nâng cấp, phát triển, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với
CSDLQG về pháp luật; tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ khai thác, quản lý, vận
hành; đưa ra giải pháp nâng cấp, phát triển, tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin đối với CSDLQG về pháp luật. Qua trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu
tham dự đã trao đổi một số khó khăn, vướng mắc trong khai thác, quản lý, vận
hành, đồng thời kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống này
trong thời gian tới.
Luật Ban hành văn
bản quy phạm pháp luật năm 2025 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 19 tháng
02 năm 2025, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2025, thay thế Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Công
tác tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và công tác kiểm tra, rà soát,
hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động rất quan trọng, đáp
ứng yêu cầu thực tiễn của công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp
luật. Hiện nay Chính phủ đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp
thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức thi hành văn bản
quy phạm pháp luật và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ
thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo Nghị định có hiệu lực
thi hành cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật năm 2025.

Đồng chí Hoàng
Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản và Quản lý xử lý vi phạm hành
chính phát biểu tại Hội thảo
Dự thảo thảo Nghị
định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định chi tiết
khoản 3 Điều 59 và hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2025 về trách nhiệm hướng dẫn áp dụng; phổ biến, giáo dục; tiếp nhận và xử
lý đề nghị, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng, hướng
dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, theo dõi, sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy
phạm pháp luật; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin về tổ chức thi hành, theo
dõi văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo được bố cục gồm 06 chương, 28 điều.
Về dự thảo Nghị định
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm
pháp luật được bố cục gồm 05 chương, 63 điều và 01 phụ lục; nội dung có kế thừa
quy định tại Nghị định hiện hành, đồng thời có chỉnh lý, bổ sung, cơ cấu lại
cho phù hợp với tình hình thực tiễn thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống
hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp lý, dễ tiếp cận./.
Lê Thị Thùy