Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình

 

       Đó là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2025 được ban hành kèm theo Quyết định 240/QĐ-TTg ngày 04/02/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Kế hoạch xác định các nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngtrong đổi mới việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2025 như sau:

- Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử; 100% hồ sơ TTHC phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và liên thông, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.

- Tổ chức triển khai Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới toàn diện việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ Công an rà soát, đánh giá lại chất lượng các dịch vụ công trực tuyến đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm chỉ duy trì cung cấp những dịch vụ công thực chất, hiệu quả, hoàn thành trong Quý II năm 2025.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần; phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ TTHC, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số quốc gia.

- Đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Thúc đẩy triển khai Đề án 06, nhất là việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình triển khai và nâng cấp các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiếp tục đơn giản hóa giấy tờ khi thực hiện TTHC và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến.

- Nâng cấp hạ tầng, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành để giải quyết TTHC, cấp kết quả điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử; phối hợp với Văn phòng Chính phủ nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Hoàn thành trong Quý III năm 2025.

- Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và chỉ đạo, đề nghị của Tổ công tác cải cách TTHC, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị, đề xuất, vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định.

- Định kỳ hằng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công, Cổng Thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác cải cách, kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả kiểm tra, thanh tra, kịp thời đề xuất biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện.

Đối với tỉnh Đồng Nai, đến nay Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Nai đã cung cấp 1.213 dịch vụ công toàn trình, 317 dịch vụ công một phần./.

Đồng Hoa

Liên kết website

Xem thêm
Không có video clip.

Lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 02, đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​