Trên hành trình 30 năm bôn ba
nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã vượt lên hoàn cảnh, luôn tranh
thủ thời gian, khai thác tối đa quỹ thời gian eo hẹp và tạo ra thời gian để kiên
trì học tập, trau dồi kiến thức. Học Bác, chúng ta học tập cách quý trọng thời
gian, sử dụng hiệu quả thời gian để học tập và làm việc, bởi theo Người: “Của
cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó
trở lại được”. Đó là kinh nghiệm Bác đúc rút ra từ quá trình tự học, làm
việc và trong cả cuộc đời làm cách mạng của Người. Trong sách “Những mẩu
chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, khi làm phụ bếp trên tàu Amiral
Latouche Trêville: “Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng
trong khi chúng tôi ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa
đêm”.Những ngày sống ở Anh, “hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi
trong vườn hoa Hayden, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hằng tuần,
vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”. Hồ Chí Minh còn
tham gia vào Hội Du lịch đưa khách đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với
giá tiền rất rẻ, nhờ vậy, Người có dịp đi thăm nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thụy Sĩ,
Đức và cả Tòa thánh Vatican… để mở rộng tầm nhìn và cơ hội học hỏi. Khi bắt đầu
đi tìm đường cứu nước, trình độ học vấn mà Người được đào tạo ở nhà trường
chẳng được là bao. Trong lí lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại
một số hội nghị, Đại hội của Quốc tế Cộng sản mà Người tham dự, Người thường
khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là Tự học. Năm 1961, tại Hội nghị chuyên
đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, Người cũng đã tự kể rằng: “Về văn hóa
tôi chỉ học hết lớp tiểu học... Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới
thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên...”.
Có thể khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh chính là cuộc
đời tự học bền bỉ, và cả thế giới đã phải thừa nhận và khâm phục về sự thông
minh, về tầm hiểu biết rộng lớn của Người - Nhà văn hóa kiệt xuất mà tổ chức
UNESCO trao tặng Người.
Trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ
tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Năm 1961, nói
chuyện với các cán bộ đảng viên ở Nghệ An hoạt động lâu năm, Người tâm sự: “Tôi
năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia.
Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình
lại phía sau”. Với các đảng viên mới, Người cũng căn dặn: “Bác đã 76 tuổi
nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời.
Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận
dụng thời gian để học tập, làm việc hiệu quả, đặt vào bối cảnh hiện tại, chúng
ta cần giải quyết những vấn đề nào để vận dụng tư tưởng này một cách hiệu quả.
Chúng ta cần trả lời 02 câu hỏi là "Học như thế nào để tận dụng thời gian
hiệu quả" và "Cần học những gì để phù hợp với nhiệm vụ công
tác".
Tôi ý thức được rằng bản thân
cần phải học tập nhiều hơn, để làm được điều đó, cần có sự sắp xếp thời gian
hợp lý, loại bỏ những hoạt động chỉ thuần mang tính giải trí, hoặc ngồi lê đôi
mách, tập trung giải quyết nhanh, gọn, chính xác các công việc thường nhật như
việc gia đình, việc nhà để dành thời gian nghiên cứu những lĩnh vực khác. Tuy
nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bỏ mặc thế giới xung quanh và chỉ tập
trung học tập cho bản thân, mà trong quá trình tự học ấy, có chỗ nào chưa hiểu
rõ, thì chúng ta tìm đến hỏi các anh chị đồng nghiệp đi trước, để trao đổi, làm
rõ và có thêm kiến thức thực tiễn, việc trao đổi với người khác cũng là một
hình thức học tập mà tất cả những người tham gia tranh luận đều có thể thu nạp
kiến thức từ việc lắng nghe và góp ý, tạo ra một môi trường làm việc nhóm hiệu
quả về sau, và thêm nữa là có thể rút ngắn khoảng cách tâm lý với nhau, dễ chia
sẻ và cảm thông, kết nối, xóa bỏ tư tưởng chỉ biết làm việc của mình mà thiếu
sự quan tâm đến tập thể. Như vậy, chúng ta vừa tận dụng được thời gian để học
cả kiến thức và cả cách ứng xử, giao tiếp, mở rộng ra là học kỹ năng sống.
Khi đã trả lời được câu hỏi
đầu tiên: Học như thế nào, cần xác định mục tiêu tiếp theo, học những gì để phù
hợp với vị trí công tác hiện tại? Đứng trước nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số,
cụ thể đối với lĩnh vực hành chính là tiến hành xây dựng Chính phủ số, trong bài
viết “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất,
hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”
của Tổng
bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xác định: Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn
diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao là
một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Chuyển đổi số. Như vậy, chúng ta
cần nghiên cứu về các chuyên đề: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trí tuệ nhân
tạo (AI), định hướng xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…để
thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước và đáp ứng được yêu cầu của cải
cách hành chính. Chính phủ điện tử, Chính phủ số thay đổi cơ bản phương
thức thực hiện thủ tục hành chính và mức độ tương tác giữa Chính phủ và người
dân, doanh nghiệp là rất cao và việc nâng cao chỉ số tham gia điện tử là một
kênh rất quan trọng để công chức, viên chức chủ động tham gia vào quá trình cải
cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Với sự tham gia
của người dân ngày càng tích cực hơn vào hoạt động của nhà nước, công chức,
viên chức cần năng động hơn để thu hút người dân một cách hiệu quả, thu thập ý
tưởng từ cộng đồng và cùng tạo ra các dịch vụ tốt hơn, đó cũng là một cách tận
dụng thời gian làm việc để học tập, học từ chính công việc mà mình phải thực
hiện, để sửa đổi, cải thiện hiệu suất, nâng cao hiệu quả, phát hiện cách làm
hay, cách làm mới để áp dụng rộng rãi.
Từ thực tiễn cuộc sống và
hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong
cách sống, phong cách làm việc. Đây là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với
mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên trong giai đoạn cách mạng hiện
nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập với thế giới, Nhớ lời Bác
đã căn dặn, “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”,
học trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ. Là một cá nhân
trong tập thể Sở Tư pháp, tôi luôn tích cực học hỏi, thay đổi phương pháp làm
việc để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng đa dạng, đòi hỏi kỹ năng, kiến
thức cao hơn; luôn phấn đấu vì thành tích chung, không ngừng học hỏi và
nâng cao kiến thức chuyên môn, áp dụng các biện pháp tổ chức lao động một cách
khoa học, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp, thể hiện trước nhất ở
việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian./.
Nguyễn Huỳnh Thùy Dương - TTTGPLNN