Học Bác Hồ về tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần lạc quan và chính tinh thần ấy đã tiếp thêm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân một niềm tin chiến thắng, đoàn kết một lòng, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, việc nghiên cứu, tìm hiểu về tinh thần lạc quan của Người có ý nghĩa sâu sắc góp phần đập tan những luận điệu xuyên tạc của chúng đồng thời khẳng định tính đúng đắn, sự thắng lợi tất yếu của con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn.

Tinh thần lạc quan của Bác bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bác tin bản thân mình vào nhân dân mình, vào thắng lợi của chân lý, lẽ phải, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Tinh thần lạc quan ấy là một trong những tính cách nổi bật, mang tính ổn định, tạo nên giá trị, nét đặc sắc riêng của Người: Luôn vui vẻ, yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cuộc sống. Tinh thần lạc quan đó thể hiện rõ trong tư tưởng đến hành động trước những khó khăn, thách thức, hy sinh... của Người.

Trước hết, Bác là người luôn tin ở bản thân mình. Nếu không có niềm tin ấy thì Người không thể một mình quyết ra đi tìm đường cứu nước ở một chân trời xa lạ. Điều này thể hiện rất rõ qua lời đối thoại giữa Bác với một người bạn trước lúc ra đi tìm đường cứu nước : “Khi người bạn hỏi lấy đâu ra tiền mà đi, anh Thành vừa nói vừa giơ hai bàn tay: Đây, tiền đây… chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi ”.

Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tích cực hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đầu năm 1941, Hồ Chí Minh trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời gian hoạt động ở Việt Bắc, Người đã viết nhiều tác phẩm cổ động phong trào giải phóng dân tộc. Những ngày tháng sống ở hang Cốc Bó (Pắc Bó, Cao Bằng), trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt: Hang ẩm ướt, về mùa đông gió lùa tê buốt, chỉ có một tấm chăn mỏng nên Bác phải dùng lá khô lót chỗ nằm, nhiều khi phải đốt lửa suốt đêm. Bữa ăn đạm bạc, thiếu thốn chỉ có rau rừng, ốc suối, cháo bẹ, rau măng, thỉnh thoảng mới có chút thịt rang mặn với muối ớt. Trong điều kiện như vậy nhưng Bác vẫn luôn sống vui vẻ, lạc quan với sự nghiệp giải phóng dân tộc:

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang"

Khi đang hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, Bác bị bắt giam vào ngục. Trong hoàn cảnh bị bắt và bị giam vào ngục của Tưởng Giới Thạch, bị đày ải từ nhà tù này sang nhà tù khác, luôn phải sống trong cảnh nghèo khó và cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào nhưng Bác chưa bao giờ bi quan. Bằng chứng là trong hoàn cảnh đó, Bác vẫn sáng tác được “Nhật ký trong tù", có thể kể đến bài "Ngắm trăng" ai trong chúng ta cũng đã nghe:

“Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”

Tự khuyên mình

“Ví không có cảnh đông tàn

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân

Nghĩ mình trong bước gian truân

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng"

Tất cả mọi người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi đều có thể bị ảnh hưởng bởi sự căng thẳng (hay còn gọi là stress). Phản ứng với những căng thẳng ấy ở mỗi người có thể là rất khác nhau, tùy quan niệm sống, sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng người, vì vậy, sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau, có thể là tiêu cực gây nguy hiểm hoặc tích cực giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Thời gian gần đây, những vụ án, vụ việc đau lòng được báo chí, các trang mạng xã hội chi sẽ rầm rộ: Giết người yêu sau khi cầu hôn, người Mẹ ôm con nhảy cầu…Phải chăng xã hội hôm nay, cuộc sống hiện đại làm cho con người nhiều áp lực và tiêu cực hơn: Khi quá nhiều công việc, quá nhiều thứ phải chi tiêu cho cuộc sống thì dẫn đến lo âu, mệt mỏi; Rảnh rang quá hoặc bị thất nghiệp dẫn đến buồn nản, mài mòn năng lực; về với gia đình thì giữa ông bà, cha mẹ và con cái có những bất hòa hoặc xung đột; ra ngoài xã hội thì điều kiện sống bấp bênh, môi trường ô nhiễm thiếu lành mạnh, tham nhũng, bất công, đạo đức xuống cấp…Đối với những công chức, viên chức nhà nước, mặc dù đã được tăng lương, nhưng mức lương vẫn thấp hơn mức sống trung bình, trong khi đó công việc lại chịu nhiều ràng buộc từ quy định, quy tắc, nội quy… nếu để xảy ra sai phạm, sai sót dù không cố ý, không tham nhũng, nhưng vẫn phải xử lý trách nhiệm….

Do đó, thông qua bài học ngày hôm nay, tôi chỉ muốn gửi một thông điệp đến mọi người là dù cuộc sống và công việc có như thế nào đi nữa thì chúng ta cần lạc quan và luôn hướng về những điều những điều tốt đẹp, luôn hướng về phía trước, nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực.

Trong những năm gần đây như chúng ta đã thấy nhiều người dân, nhiều gia đình gặp nạn do thiên tai, dịch bệnh, gần đây nhất và Miền Bắc, Miền Trung gặp bão lũ, sạt lở đất, nhưng sau tất cả họ vẫn phải tiếp tục sống và hướng về phía trước. Gần đây Tôi được biết đến Bức thư của thầy giáo Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình) gửi các em học sinh sau trận lũ lịch sử vừa rồi. Tôi xin được trích dẫn một số đoạn trong nội dung bức thư như sau:

“Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải đi dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!

Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng "dở chứng", mình có thể làm một cuốc "bộ hành" giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn "hốt-dùm-tui-đi", và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!

Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!

Riêng bản thân tôi, là người sống xa gia đình, xa quê hương, Quảng Bình cũng là nơi mà năm nào cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nhưng đợt bão lũ. Tôi cũng đã găn bó với Sở Tư pháp được 11 năm, được điều chuyển qua 3 phòng chuyên môn. Mới đầu nghe sẽ luân chuyển vị trí công tác cũng có sự lo lắng rằng: không biết bản thân có làm tốt hay không, lãnh đạo Phòng mới có dễ chịu không…nhưng Tôi sẵn sàng tiếp nhận và lạc quan rằng mình sẽ làm được, cái gì không biết thì hỏi, tự học, khó khăn ở đâu thì gỡ ở đó. Sẽ không có Lãnh đạo phòng nào từ chối trả lời và chỉ dạy cho nhân viên mình khi họ nhận được từ nhân viên sự cầu thị trong công việc. Thái độ sống tích cực của đồng nghiệp, của mọi người xung quanh sẽ lan tỏa và giúp chúng ta có động lực để vượt qua những khó khăn, góp phần xây dựng cuộc sống của chính mình tốt đẹp hơn, công việc hiện tại của mình nhẹ nhàng hơn.

Tôi mong rằng, công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp luôn cởi mở, dân chủ và đoàn kết cao. Nêu  cao tinh thần hợp tác, chia sẻ vì một mục tiêu chung là xây dựng Sở Tư pháp ngày càng vững mạnh./.

Bình Phạm

         ​ 

Liên kết website

Xem thêm
Không có video clip.

Lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: Bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 02, đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​