Thừa phát lại, Công chứng, Luật sư là chức
danh bổ trợ tư pháp có trình độ cử nhân Luật trở lên được pháp luật quy định và
công nhận tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, điều kiện bổ nhiệm của
các chức danh bổ trợ tư pháp này lại khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ mà Nhà
nước giao theo quy định của pháp luật, đặc biệt Thừa phát lại, Công chứng, Luật
sư không kiêm nhiệm lẫn nhau, cụ thể:
- Thừa phát lại pháp luật quy định thực
hiện một số công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, như thi hành
án dân sự; xác minh điều kiện thi hành án; tống đạt các quyết định, giấy tờ của
Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự; ghi nhận các sự kiện, hành
vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc
(lập vi bằng). Cấm Thừa pháp lại kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm
định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản (khoản 3 Điều 4 Nghị
định 08/2020/NĐ-CP).
- Công chứng viên được nhà nước giao
cho việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự
khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp
pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt
sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là
bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức
tự nguyện yêu cầu công chứng. Cấm Công chứng viên đồng thời kiêm nhiệm
công việc thường xuyên khác (điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng).
- Luật sư là người hành nghề liên
quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy
định của pháp luật của mỗi quốc gia. Theo quy định của Luật Luật sư năm 2006
(sửa đổi, bổ sung năm 2012) Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của
cá nhân, cơ quan, tổ chức (khách hàng); cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư
vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề
pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ
trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định và phân công nhiệm
vụ rất rõ ràng đối với 03 chức danh bổ trợ tư pháp nêu trên. Theo đó, liên quan
đến những văn bản, giao dịch mà các chức danh trên cung cấp thông qua dịch vụ của
Tổ chức (Phòng công chứng, Văn phòng công chứng, Công ty luật, Văn phòng luật
sư, Văn phòng Thừa phát lại) sẽ có ý nghĩa khác nhau, pháp lý khác nhau, có
tính quyết định khác nhau và cũng được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật
có liên quan, ví dụ:
Đối với Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các
bên tham gia giao dịch: Hợp đồng phải được công chứng ở tổ chức hành nghề công
chứng hoặc được Ủy ban nhân dân chứng thực theo đúng quy định của pháp luật, vì
chỉ những cơ quan này mới có chức năng, thẩm quyền theo quy định để khẳng định
được rằng quyền sử dụng đất tại Hợp đồng được giao dịch (không bị ngăn chặn,
chưa được chuyển nhượng, mua, bán, tặng cho người khác). Mọi sự chứng thực,
xác nhận của cá nhân, tổ chức khác đều không được pháp luật công nhận.
Thậm chí, Thừa
phát lại cũng không được lập vi bằng đối với các trường hợp: Xác nhận nội
dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm
vi hoạt động công chứng, chứng thực; Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển
quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền
sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật; Ghi nhận sự kiện, hành vi để
thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng (Điều 37
Nghị định số 08/2020/NĐ-CP).
Nhiều Hợp đồng
chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định
của pháp luật đất đai được một số tổ chức hành nghề luật sư, Công ty TNHH luật
(không phải tổ chức hành nghề luật sư) xác nhận, đóng dấu dưới nhiều nội dung
“xác nhận Hợp đồng do tổ chức mình soạn”, xác nhận “có chứng kiến các bên tham
gia giao dịch thỏa thuận thực hiện hợp đồng” đã và đang để lại hậu quả nghiêm
trọng cho các bên tham gia giao dịch (cùng một thửa đất bán cho nhiều người, có
dấu hiệu lừa đảo). Mặc dù trước khi yêu cầu các Tổ chức này xác nhận hay làm
chứng các giao dịch, dù biết hay không biết quy định pháp luật, thì với mong
muốn và ý chí tại thời điểm đó người dân đã chấp nhận rủi ro. Nhưng khi xảy ra
rủi ro, người dân làm Đơn cầu cứu các cơ quan chức năng (Sở Tư pháp, Tòa án, tố
cáo đến Cơ quan cảnh sát điều tra). Tuy nhiên, để xác định được hành vi vi
phạm, xử lý đúng người, đúng tội là sự phối hợp của nhiều cơ quan, sự chờ đợi
của các bên tham gia giao dịch.
Do đó, trước khi
thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản đặc biệt tài sản có giá trị lớn,
tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, đến đúng cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền để được hướng dẫn, thực hiện các giao dịch không vì lợi ích trước
mắt mà gánh hậu quả về sau./.
Bình Phạm
Một số bài viết
cảnh báo cáo có liên quan:
https://thanhnien.vn/luat-su-lam-chung-mua-ban-nha-dat