Bộ Tư pháp tổng kết công tác Tư pháp năm 2016

Sáng 23-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tư pháp năm 2016 và triển khai công tác năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.​

Dự hội nghị có các đồng chí: Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao;  lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Tại điểm cầu Đồng Nai, có các đồng chí: Bùi Xuân Thống Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh;  Nguyễn Quốc Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Trưởng, Phó các phòng chuyên môn và tương đương thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp.

Tai diem cau Dong Nai.JPG
Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, PCT. UBND tỉnh Đồng Nai 

cùng đồng chí Viên Hồng Tiến Giám đốc Sở Tư pháp chù trì tại điểm cầu Đồng Nai.

Năm 2016, Bộ, ngành tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; giảm mạnh tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công tác hành chính tư pháp, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả. Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cư đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn ngành tập trung đẩy mạnh. Cả nước có 23.992 báo cáo viên pháp luật và 142.197 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Công tác hòa giải ở cơ sở tạo được điểm nhấn quan trọng qua việc tổ chức thành công cuộc thi hòa giải viên giỏi lần thứ III. Hiện cả nước có 111.155 tổ hòa giải, trong năm cả nước tiếp nhận 171.428 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt khoảng 78,87%.

Đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, hiện cả nước có 11.527 luật sư và 3.711 tổ chức hành nghề luật sư; 943 tổ chức hành nghề công chứng với 2.182 công chứng viên đang hành nghề; 428 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp với 956 đấu giá viên.

Lanh dao Bo Tu phap cung Thu tuong Nguyen Xuan Phuc.JPG
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng tập thể Lãnh đạo Bộ Tư pháp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao sự tiến bộ của ngành tư pháp trong năm 2016; đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành. Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới cần nỗ lực, chủ động, bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Đặc biệt,  cần chú trọng xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo tính ổn định, khả thi; nghiêm cấm lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế. Làm tốt hơn nữa công tác theo dõi thi hành pháp luật, khắc phục tình trạng “nhờn” luật;  cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính ở các lĩnh vực, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong thời đại công nghệ thông tin, mạng xã hội. Làm tốt công tác tham mưu giúp Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho đồng chí Hà Hùng Cường, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp cũng công bố quyết định khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác tư pháp năm 2016 và phát động phong trào thi đua năm 2017.  

Trong năm 2016 với khẩu hiệu “Ngành Tư pháp Đồng Nai đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao”. Ngành đã tích cực xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp trong tổ chức triển khai thực hiện.

Những kết quả nổi bật như

Các nhiệm vụ chính trị trong năm được thực hiện đúng theo Chương trình trọng tâm, một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, nổi bật và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ với nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Tọa đàm tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Ký kết quy chế phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai; Tổ chức Truyền hình trực tiếp về Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tố tụng hành chính; đối thoại giữa Giám đốc Sở Tư pháp với công chức Tư pháp – Hộ tịch xã, phường, thị trấn; Tổ chức Hội thi kể chuyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và “Dân vận khéo” năm 2016; Ban hành Quy chế thi đua, khen thưởng Sở Tư pháp, chú trọng đến việc khen thưởng công chức không phải là lãnh đạo; 100% các đơn vị trực thuộc ban hành và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tập trung nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Tham mưu UBND tỉnh ban hành 63 văn bản quy phạm pháp luật và 28 văn bản cá biệt; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật qua đó phát hiện các quy định pháp luật còn chồng chéo, không còn phù hợp nhằm kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ; đã góp ý 191 dự thảo văn bản pháp luật, thẩm định 85 dự thảo VBQPPL; tự kiểm tra 72 VBQPPL và 34 văn bản cá biệt. Kiểm tra 15 địa phương, đơn vị về công tác theo dõi thi hành pháp luật.

Đổi mới phương thức và tăng cường hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng sát thực tiễn: Chủ động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới, nhất là các luật có liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân, đã tổ chức tuyên truyền cho hàng triệu lượt người tham dự; triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. In và phát hành 3800 tài liệu hỏi đáp về Bộ luật dân sư, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật trưng cầu ý dân.

Đáng chú ý trong năm Sở Tư pháp đã tham mưu UBND trình HĐND thông qua Nghị Quyết quy định mức chi thực hiện công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân; công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Trong công tác hành chính tư pháp: đã triển khai thực hiện có hiệu quả Luật hộ tịch theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng phần mềm hộ tịch vào công tác đăng ký quản lý, gắn với việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn tỉnh, giải pháp Kiềng 3 chân” trong cấp 10.256 phiếu Lý lịch tư pháp, triển khai đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh các hoạt động bổ trợ tư pháp, đến nay có 12/22 Văn phòng công chứng chuyển đổi sang hình thức hợp doanh.

Tích cực tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Kết quả góp phần: toàn tỉnh có hơn 2 triệu cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 99,6%. Toàn ngành có 101 trúng cử đại biểu HĐND các cấp trong tổng số 141 ứng cử viên là công chức ngành Tư pháp (đạt 71,6%), trong đó cấp tỉnh có 2 đại biểu, cấp huyện có 5 đại biểu, cấp xã có 94 đại biểu.

Ngoài ra còn tích cực thực hiện tốt công tác xã hội, từ thiện: Trong năm đã phối hợp với Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bình Dân (TP. Hồ Chí Minh) và Tu viện Hạnh Chiếu (huyện Long Thành) tặng 205 phần quà cho các hộ nghèo của xã Thanh Sơn, huyện Định Quán; Tặng 200 phần quà cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tổng giá trị hơn 180 triệu đồng.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính: các thủ tục hành chính tư pháp, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn của dân năm 2013 là 45%, năm 2014 là 25%, năm 2015 là 5%, trong năm 2016 là dưới 2%. Hai năm liên tiếp Sở Tư pháp Đồng Nai được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua xuất sắc, Chi đoàn Sở Tư pháp đạt giải nhì Hội thi “Tuổi trẻ khối các cơ quan tỉnh với cải cách hành chính”, Sở Tư pháp đạt giải nhì (đại diện Khối thi đua số 3) Hội thi tìm hiểu Luật thi đua, khen thưởng và công tác thi đua, khen thưởng năm 2016.

Những kinh nghiệm rút ra

Một là: tập trung củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy của Sở Tư pháp, đặc biệt là kiện toàn Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn và tương đương nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thi đua.

Hai là: tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng, coi trọng việc chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua; hướng dẫn, tạo động lực sôi nổi giữa các phòng, các đơn vị trực thuộc và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.

Ba là: phong trào thi đua phải thường xuyên, liên tục, nội dung thi đua phải cụ thể, xác thực gắn với thực tiễn, lấy hiệu quả công việc làm thức đo của phong trào thi đua.

Bốn là: làm tốt công tác phối hợp giữa các thành viên trong khối, cụm thi đua, từ đó chia sẻ thông tin, tạo sức mạnh tổng hợp về nhân lực, nguồn lực để thực hiện tốt các phong trào.

Năm là: các hình thức khen thưởng, biểu dương phải kịp thời, tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua.

Phi Long

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​