Giá trị pháp lý của Vi bằng

​Trong thời gian qua, một số văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh lập vi bằng việc mua, bán nhà đất không đúng quy định, tạo sự hiểu lầm, gây thiệt hại cho người dân trong việc giao dịch bất động sản.

Đại diện Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa hướng dẫn người dân lập vi bằng (ảnh minh họa).
Đại diện Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa hướng dẫn người dân lập vi bằng (ảnh minh họa).

Theo quy định hiện hành, về thẩm quyền thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp mà pháp luật cấm hoặc chưa cho phép. Về phạm vi, hiện nay cơ quan thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng thừa phát lại.

* Vi bằng thừa phát lại là gì?

Tại Khoản 2, Điều 26, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP nêu rõ: “Vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; việc ghi nhận phải khách quan, trung thực”. Như vậy, thừa phát lại không được lập vi bằng để ghi nhận những sự kiện, hành vi mà mình không trực tiếp chứng kiến hoặc những sự kiện, hành vi chỉ thông qua lời kể của người khác.

Chấn chỉnh việc lập vi bằng mua, bán nhà đất

Hiện nay, Sở Tư pháp đang tiến hành kiểm tra các văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh việc lập vi bằng mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (Khoản 3, Điều 2, Nghị định 135/2013/NĐ-CP). Hay nói theo cách hiểu thực tế thì vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Việc lập vi bằng của thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau: hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng. Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản. Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến; đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do thừa phát lại lập. Vi bằng do thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được xem là chứng cứ và có giá trị chứng minh. Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ.

* Khác với công chứng

Hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại có những nét, những đặc điểm giống với hoạt động công chứng của công chứng viên kể cả về phương pháp tiến hành cũng như mục đích hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động lập vi bằng không phải là hoạt động công chứng.

Nếu công chứng là việc công chứng viên thay mặt Nhà nước để chứng kiến và công nhận tính xác thực của các văn kiện giấy tờ, các hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng tại văn phòng công chứng thì hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại là lập các chứng thư (vi bằng) về những sự kiện, hành vi xảy ra ở mọi nơi mà ít bị khống chế về mặt không gian và thời gian.

Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, một số nội dung trong hoạt động thừa phát lại quy định thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp như: vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thực tế hiện nay, nhiều người mua bán bất động sản bị nhầm tưởng vi bằng thừa phát lại có thể thay công chứng. Theo quy định của pháp luật, cơ quan thừa phát lại không có chức năng công chứng các giao dịch về bất động sản. Cơ quan thừa phát lại lập “vi bằng”, không phải là “công chứng” mà chỉ để xác nhận có hành vi giao dịch. Hiện pháp luật về nhà ở, đất đai hiện hành chưa có quy định công nhận thẩm quyền của thừa phát lại trong hoạt động chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về nhà đất.

Phi Long

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​