Kết quả thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra văn bản năm 2017

Thực hiện Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/2016 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp; Chương trình trọng tâm công tác Tư pháp năm 2017. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Báo cáo số 2344/BC-UBND ngày 14/3/2018 về kết quả thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nội dung báo cáo đánh giá kết quả thực hiện:

Về công tác ban hành văn bản: Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành 93 văn bản quy phạm pháp luật (42 nghị quyết, 51 quyết định); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành 121 văn bản quy phạm pháp luật (72 nghị quyết; 49 quyết định); Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành 559 văn bản quy phạm pháp luật (544 nghị quyết; 15 quyết định). Công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương cơ bản đã đi vào nề nếp. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định, đảm bảo tính thống nhất, hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Về công tác kiểm tra văn bản: Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tự kiểm tra 55 văn bản quy phạm pháp luật (51 văn bản ban hành trong năm 2017 và 4 văn bản ban hành trong năm 2016). Qua kiểm tra, phát hiện 06 văn bản ban hành có nội dung chưa phù hợp theo quy định và đã kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý;  thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 73 văn bản của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện ban hành. Qua kiểm tra phát hiện 11 văn bản ban hành chưa phù hợp về thẩm quyền, nội dung và thể thức; Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện xử lý kịp thời. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc tự kiểm tra 709 văn bản quy phạm pháp luật và 42 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật thuộc đối tượng kiểm tra. Phòng Tư pháp các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa kiểm tra theo thẩm quyền 624 văn bản của cấp xã.

Về rà soát, công bố danh mục văn bản hết hiệu lực: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 534/QĐ-UBND về việc công bố danh mục 93 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ và 21 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai năm 2017.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác văn bản ở địa phương năm 2017 như sau:

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định nhiều nội dung mới so với các văn bản trước đây nên công chức làm công tác văn bản tại các huyện, xã còn khó khăn khi tiếp cận với các quy định mới.

Quy trình xây dựng Nghị quyết theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có bước lập đề nghị xây dựng Nghị quyết; đối với Nghị quyết có chính sách phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động chính sách, đây là một nội dung mới nên các đơn vị tham mưu ban hành còn gặp nhiều khó khăn, dẫn tới việc chưa đảm bảo thời gian tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, việc đăng tải dự thảo Nghị quyết được giao quy định tại khoản 1 Điều 27 và Quyết định được giao quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh trong thời gian 30 ngày để lấy ý kiến là không cần thiết, vì nội dung không phức tạp, không đặt ra chính sách mới và thực tế việc đăng tải trên cổng mất nhiều thời gian nhưng kết quả là không có cá nhân, tổ chức, cơ quan nào có ý kiến phản hồi về nội dung dự thảo. Do đó, việc quy định thời gian đăng tải lên cổng thông tin điện tử của tỉnh lấy ý kiến là không hiệu quả.

Tại khoản 3 Điều 152 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp quy định văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước. Tuy nhiên, trong thực tiễn, các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương được ban hành trên cơ sở phân cấp, ủy quyền của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thường thì chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của các cơ quan cấp trên (nhất là các trường hợp phải thông qua Hội đồng nhân dân). Về nguyên tắc chung thì phải thực hiện khi văn bản ở địa phương có hiệu lực. Tuy nhiên, do văn bản ở địa phương ban hành có hiệu lực chậm hơn văn bản ở trung ương nhưng không được quy định hiệu lực trở về trước, làm ảnh hưởng đến các quyền lợi của các đối tượng được áp dụng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”. Tuy nhiên, một số Thông tư hướng dẫn chưa quy định rõ trách nhiệm tại phần tổ chức thực hiện nên địa phương gặp khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giao phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có quy định cụ thể thực hiện tại địa phương.

Hướng dẫn sử dụng biểu mẫu của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (tại các mẫu 22, 23, 26, 27 phụ lục I) còn chưa khoa học, gây lúng túng trong việc áp dụng thực hiện các biểu mẫu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Biên chế làm công tác văn bản tại một số huyện, đơn vị cấp xã chưa đáp ứng được so với yêu cầu công việc, chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ soạn thảo, kiểm tra, xử lý và rà soát văn bản pháp luật; công chức tư pháp thực hiện kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hiện công việc và các nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Tư pháp:

Kịp thời bổ sung hướng dẫn về việc xác định hiệu lực trở về trước trong văn bản, đảm bảo cho địa phương thuận lợi trong việc áp dụng thực hiện.

Rà soát lại các biễu mẫu tại phụ lục kèm theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nhằm đảm bảo tính phù hợp để địa phương thuận lợi trong việc áp dụng thực hiện (mẫu số 22, 23, 26, 27 phụ lục I).

Phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

 Phối hợp với các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định của Luật, Nghị định..

Sớm tham mưu trình sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Nguyễn Hải – Phòng XDKTVB​

 

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​