Vai trò người đứng đầu trong phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Ths. Viên Hồng Tiến

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp​

           ​Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nhằm thực hiện nhiệm vụ ấy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị (gọi chung là người đứng đầu) có vai trò quan trọng đặc biệt.

Hinh 1 ngay 24-01-2018.jpg

 Để triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Người đứng đầu phải tập trung thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau đây:

1. Làm tốt công tác tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra hai nguy cơ đối với Đảng cầm quyền, đó là sự sai lầm về đường lối và sự suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự biến chất của những ông “quan cách mạng”, của những người “làm quan để phát tài”, vấn nạn tham nhũng, lãng phí như là “kẻ thù” đặc biệt nguy hiểm của cách mạng, là “giặc nội xâm”. Người nhấn mạnh, phải kiên quyết chống những hiện tượng đó như “chống giặc” thì mới có thể làm cho cách mạng trụ vững và tiến lên.

hinh 2 25-01-2018.JPG

“Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất. Trong Đảng và người ngoài Đảng có nhận rõ tình hình mới, hiểu rõ nhiệm vụ mới, thì tư tưởng mới thống nhất, tư tưởng thống nhất thì hành động mới thống nhất. Nếu trong Đảng và người ngoài Đảng từ trên xuống dưới, từ trong đến ngoài đều tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi.”[1]

“Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc.”[2]

Vì vậy để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, người đứng đầu phải quán triệt, làm tốt công tác tư tưởng, toàn ngành phải thể hiện tính quyết tâm, quyết liệt để thực hiện.

Theo đó, người đứng đầu phải xác định phòng, chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là lương tâm và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, trước Tổ quốc. Là người quản lý mọi mặt của cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm cao nhất việc tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh, người đứng đầu không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh này. Vì vậy phải có trách nhiệm quán triệt, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng, những quy định của pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị mình. Người đứng đầu không chỉ có quyết tâm, có thái độ kiên quyết, mà còn phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của toàn đơn vị.

Hinh 2 24-01-2018.JPG

2. Người đứng đầu phải làm gương, nói đi đôi với làm, đề ra nhiệm vụ và tổ chức triển khai thực hiện

Phẩm chất và năng lực của người đứng đầu, sự mẫu mực, nêu gương cũng như thái độ kiên quyết đấu tranh của họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ, về mặt Đảng, người đứng đầu cấp ủy có vị trí rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo; về chính quyền, người đứng đầu thường là thủ trưởng, hoặc phó thủ trưởng - vừa có quyền hành, vừa giữ vai trò quyết định liên quan đến hoạt động và phát triển của cơ quan, đơn vị; người đứng đầu phải thực sự vững vàng, trong sáng, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, là tấm gương sáng ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cả về bản lĩnh chính trị, sự liêm khiết và thái độ kiên quyết, dũng cảm trong cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ cơ quan, đơn vị. “Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, nói đi đôi với làm, sự gương mẫu, kiên quyết của người đứng đầu chính là một yếu tố cơ bản, trực tiếp quyết định kết quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu có tác dụng quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động, phát triển của cơ quan, đơn vị.

An Tien 25-01-2018.JPG

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; tự mình phải chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định, chủ trương, giải pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Không những gương mẫu về mặt công tác, chuẩn mực trong cách sống, lối sống, người đứng đầu cấp ủy phải biết tự vạch kế hoạch công tác cho bản thân và đề ra kế hoạch cho toàn cơ quan, đơn vị.

Hinh 4 24-01-2018.JPG 


3. Phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị liên quan

 Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị là điều kiện hết sức quan trọng để cán bộ, công chức, viên chức phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị phải dựa trên các nguyên tắc, quy định của pháp luật. Qua đó, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, thu hút họ tham gia quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Về mặt nội dung, thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là tổng hợp tất cả những hoạt động nhằm bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được biết, được tham gia ý kiến và được giám sát, kiểm tra đối với những việc có liên quan theo quy định tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ với mục tiêu phát huy quyền làm chủ và nâng cao trách nhiệm; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Về mặt hình thức, thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là toàn bộ cách thức, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện trên thực tế các quyền dân chủ của cán bộ, công chức, viên chức được biết, được tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định và được giám sát, kiểm tra đối với những việc có liên quan theo quy định của pháp luật; biến các quyền dân chủ đó trở thành hiện thực trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu không chỉ giữ vai trò quan trọng trong đối nội mà còn giữ vai trò đối ngoại nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, giao tiếp với các đối tác, các mối liên hệ trong cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa tổ chức đảng các cấp, các cơ quan có liên quan, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Từ đó, có cơ chế và duy trì thành nền nếp việc cấp trên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cấp dưới, với nhân dân theo phân cấp để nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; đồng thời thông qua đó để định hướng và chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời cuộc đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. (Năm 2015 Giám đốc Sở Tư pháp đối thoại với công chức Tư pháp - Hộ tịch xã, phường, thị trấn; năm 2016 đối thoại với Công chứng viên trên địa bàn tỉnh, qua đó tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở đồng thời chấn chỉnh, định hướng các mặt công tác của ngành).

Hinh 5 24-01-2018.JPG


4. Người đứng đầu là trung tâm đoàn kết, công bằng, khách quan, vô tư

Xây dựng đoàn kết nội bộ là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, người đứng đầu phải xác định đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu cần phải tập trung xây dựng và xem như bắt đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công. Bởi đoàn kết là sức mạnh, là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tư tưởng đoàn kết của Người đã hình thành trên cơ sở lý luận và thực tiễn, xuất phát từ truyền thống văn hóa và lòng nhân ái của con người Việt Nam. Như Bác Hồ đã dạy chúng ta “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Dù có ở  cơ quan hay tổ chức nào lớn hay bé, đoàn kết là vấn đề trọng tâm hàng đầu mà chúng ta cần phải xây dựng, phát huy và duy trì thường xuyên. Từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở đâu có đoàn kết thì ở đó nhất định sẽ thành công trên mọi lĩnh vực. Do vậy, người đứng đầu phải là trung tâm của sự đoàn kết và thường xuyên quan tâm xây dựng đoàn kết nội bộ; nhất trí cao về quan điểm, đường lối và phát huy vai trò trách nhiệm đối với tập thể đơn vị.

Một tập thể đoàn kết và phát triển vững mạnh toàn diện là một tập thể luôn có sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động. Để có được sự đồng thuận, đoàn kết, trước hết người đứng đầu đơn vị cần phải đảm bảo cơ chế quản lý điều hành cho phù hợp, luôn có sự thống nhất về ý chí, hành động và mục tiêu chung; thường xuyên có sự phối hợp hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công tác nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đối với ngành tư pháp, thực hiện lời Bác dạy: “Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình…”.

 Đặc biệt người đứng đầu phải không ngừng hoàn thiện mình để xây dựng tốt các mối quan hệ thân ái trong các tổ chức đoàn thể; khoan dung, độ lượng, tương thân, tương ái, thương yêu, tin cậy lẫn nhau, thưởng phạt công minh, tạo bầu không khí luôn ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp; là trung tâm gắn kết từng cán bộ, công chức, viên chức; thường xuyên sâu sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng cán bộ, công chức,viên chức để động viên kịp thời cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần; đồng thời quan tâm giúp đỡ lúc ốm đau, hoạn nạn; đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách; luôn tôn trọng và đặt lợi ích của tập thể lên trên. Do vậy, người đứng đầu phải thực sự là trung tâm đoàn kết, trên cơ sở vì nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị thì sức mạnh của cơ quan, đơn vị được phát huy.

Hinh 3 24-01-2018.jpg

5. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiêm vụ được giao

Trong mọi trường hợp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nặng hơn thuộc quyền, không những chỉ là liên đới trách nhiệm mà đây còn là trách nhiệm trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, đôn đốc.

Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu là vấn đề mấu chốt để phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong lãnh đạo, quản lý. Khi công tác lãnh đạo, quản lý lỏng lẻo, không kiểm tra chặt chẽ, giám sát thường xuyên, thực hiện không đúng chế độ, chính sách và sai các quy định của pháp luật, để xảy ra tham nhũng, lãng phí, hư hỏng, thất thoát, sử dụng tài sản công kém hiệu quả, sử dụng sai các nguồn tài chính… thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, không thể được “bình thân” ngoài vòng pháp luật, tránh được các hình thức kỷ luật đảng, chính quyền. Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực “nhạy cảm”, dễ nảy sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; gắn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với việc thực hiện giám sát, giám sát - phản biện của các tổ chức dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; ngăn ngừa sai phạm từ trong khâu tham mưu về thể chế, quy chế, xây dựng tổ chức bộ máy và đánh giá, nhận xét cán bộ.

Để người đứng đầu phát huy được vai trò trong phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với nhiệm vụ được giao và ngày càng có uy tín, được tập thể tin yêu, phải mạnh dạn phê bình. Cấp trên trực tiếp cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Bởi lẽ, người đứng đầu có trách nhiệm cá nhân và vai trò như đầu tàu, quyết định cho tốc lực, chất lượng và hiệu quả vận hành của toàn cơ quan, đơn vị.

Đầu tàu có khỏe, đoàn tàu chạy mới nhanh và an toàn.



[1] Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 7, tr.319.

[2] Sách đã dẫn, tập 7, tr.466.

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​