CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN HÌNH "DÂN HỎI - GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP TRẢ LỜI"

               Hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cũng như công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, thì vai trò của ngành tư pháp càng trở nên quan trọng. Đối với Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp, có dân số đông thì vai trò của ngành tư pháp càng trở nên mật thiết trong việc triển khai, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay,vấn đề cơ bản được Sở Tư pháp Đồng Nai chú trọng cũng như được người dân quan tâm, đó chính là những đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính cũng như công tác thẩm tra xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Xung quanh vấn đề này, rất nhiều người dân đã bày tỏ những băn khoăn đối với chương trình, chính vì vậy trong chuyên mục “Dân hỏi Giám đốc Sở trả lời”, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai đã mời đến chương trình ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai để cùng trao đổi, giải đáp giúp khán giả những băn khoăn ấy.
Dan hoi giam doc so tra loi 2-10-2017.JPG

Người dẫn chương trình (MC): Xin cảm ơn ông Viên Hồng Tiến đã nhận lời mời tham gia tiết mục “Dân hỏi giám đốc sở trả lời” của đài PT-TH Đồng Nai.

Câu hỏi 1:Trước tiên, xin gửi đến ông câu hỏi của anh Trần Văn Thái tại phường Trảng Dài, Tp.Biên Hòa như sau: “ngày 04/7/2017, Chính phủ có ban hành Nghị quyết số 58 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; theo đó trên các phương tiện truyền thông lại thông tin rằng, khi Nghị quyết có hiệu lực, tức là ngày từ 4-7 sẽ bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, v..v. Vậy vấn đề này phải hiểu như thế nào mới đúng, là đơn giản hóa hay là bãi bỏ các thủ tục hành chính có liên quan?”

Ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai trả lời:

Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ theo quy định tại phương án ban hành kèm theo có 15 thủ tục được đơn giản hóa thủ tục hành chính như: đăng ký khai sinh, công chứng, bồi thường Nhà nước, hộ tịch…., trong đó bãi bỏ gần 20 thủ tục bao gồm:

- Trong lĩnh vực chứng thực: bỏ quy định yêu cầu người chứng thực nộp bản sao giấy tờ tùy thân.

- Lĩnh vực quốc tịch: bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài

- Lĩnh vực hộ tịch: bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Đăng ký khai sinh: bỏ quy định xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn)

Đây chỉ là bước đầu triển khai từng nhiệm vụ theo đúng lộ trình được xác định tại mục tiêu của Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cứ giai đoạn 2013 – 2020, chứ không phải bỏ ngay một số thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp như mọi người thắc mắc.

Nghị quyết có thực hiện được hay không phụ thuộc vào sự hoàn thiện của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói cách khác khi nào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cũng như các cơ sở chuyên ngành khác thì lúc đó mới thực hiện được việc miễn giảm giấy tờ trong thủ tục hành chính.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 76 Luật hộ tịch Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo quy định của Luật này”. Về cơ sở dữ liệu hộ tịch, Bộ Tư pháp đã thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, trong năm 2017 thì triển khai thêm 13 tỉnh. Khi dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư được đồng bộ, kết nối sẽ giảm tiếp được nhiều thủ tục, chi phí.

Tóm lại, hiện nay các thủ tục hành chính về tư pháp vẫn thực hiện bình thường theo các quy định hiện hành. Còn Nghị quyết số 58/NQ-CP thì chưa thực hiện ngay, mà Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện thí điểm các Đề án theo lộ trình đến năm 2020.

Câu hỏi 2: Xin ông cho biết theo lộ trình thì việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 58 của Chính phủ thì Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, thực hiện như thế nào tại địa phương.

Ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai trả lời:

Tỉnh Đồng Nai đã cụ thể hóa các nội dung Đề án, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, cụ thể hiện tại Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3333/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cự giai đoạn 2013-2020 tỉnh Đồng Nai, gồm 17 thành viên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, 03 Phó Trưởng ban là Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 9552/KH-UBND ngày 20/9/2017 triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cũng tập trung, khẩn trương tiến hành triển khai nhiệm vụ rà soát, sửa đổi các văn bản do địa phương ban hành trong công tác quản lý dân cư phục vụ việc ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, hiệu quả, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Tư pháp đảm bảo thực hiện kịp thời theo đúng lộ trình đề ra.

Câu hỏi 3: Bà Nguyễn Hồng Điệp tại thành phố Biên Hòa có gửi thư cho chương trình như sau: “ tôi sinh năm 1952, hiện đang thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tôi muốn đề nghị Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người thân, sinh năm 1982, đang có hộ khẩu chung với tôi có được không?” Với trường hợp này thì sao ? Mời ông Viên Hồng Tiến giải đáp cho khán giả này ạ.

Ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai trả lời:

Trường hợp bạn hỏi, chúng tôi không rõ người thân của bạn có đồng ý để bạn làm Phiếu lý lịch tư pháp của người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp hay không, do đó, chúng tôi trả lời bạn như sau:

Trường hợp 1: Trong trường hợp người thân của bạn không có sự đồng ý

Tại khoản 1, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 quy định:

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Theo khoản 1, khoản 2, Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền bí mật đời tư như sau:

“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Tại Điều khoản 2, Điều 4, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định nguyên tắc quản lý lý lịch tư pháp:

“2. Bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân”.

Như vậy, Sở Tư pháp chỉ cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi được sự đồng ý của người đó hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

Trường hợp 2: Trong trường hợp người thân của bạn có sự đồng ý

Điểm a khoản 1, Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định: “Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Luật này”

Điểm b khoản 1, Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định: “Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình”

Trường hợp người thân của bạn có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.  Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 ngoài việc nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp còn kèm theo bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp và bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

Riêng trường hợp người thân của bạn có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định tại khoản 2, Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp.

Câu hỏi 4: Có rất nhiều những công nhân lao động gửi thư đến chương trình, họ cho biết bản thân rất quan tâm đến những điều luật mới được Quốc hội ban hành hiện nay, vậy Sở Tư pháp có những cách nào để giúp cho người dân, nhất là công nhân lao động nắm bắt được những luật mới này?”

Ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai trả lời:

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Nhiệm vụ đầu tiên là phải ban hành pháp luật, tiếp đến là tổ chức thực hiện pháp luật, trong đó, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xem là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL, trong những năm qua, Đảng bộ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, kịp thời tham mưu giúp Hội đồng phối hợp PBGDPL, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, ban hành các kế hoạch và tổ chức triển khai các Luật được Quốc hội thông qua ; tổ chức hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam” hàng năm; ... qua đó đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.

Ngoài ra, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm (hiện nay trên toàn tỉnh là 2.630 người, trong đó bao gồm: 138 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 314 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 2.178 tuyên truyền viên cấp xã).

Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thường xuyên, kịp thời góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và chấp hành pháp luật của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Riêng đối với công nhân lao động, thời gian qua Sở Tư pháp phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh bám sát nội dung tuyên truyền. Hằng năm, Liên đoàn lao động tỉnh đều tổ chức các lớp tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và hỗ trợ pháp luật cho người lao động tại doanh nghiệp, khu nhà trọ, trung tâm và các văn phòng tư vấn pháp luật của Công đoàn.

Phương pháp chính và mang lại hiệu quả cao là tuyên truyền miệng, đặc biệt là mô hình nhóm công nhân nòng cốt. Ngoài ra, còn tuyên truyền qua kênh thông tin báo Lao động Đồng Nai, cấp phát các cẩm nang theo chuyên đề cho công nhân, qua fanpage “Điểm hẹn công nhân”, thông qua các Hội thi... Kết quả đã có khoảng 80% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến pháp luật và giáo dục chính trị - tư tưởng. Số vụ đình công, lãn công quy mô lớn, kéo dài giảm đáng kể; trên 60% đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, vận động, học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…

Câu hỏi 5: Chị Nguyễn Thị Hoa ở huyện Xuân Lộc có gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “tôi là một nông dân, thường xuyên chăm lo đồng áng nên không nắm bắt được đầy đủ các thông tin về pháp luật, vậy xin chương trình cho biết, với điều kiện sống và làm việc ở nông thôn như tôi thì làm cách nào để có thể tìm hiểu và nắm bắt các thông tin về pháp luật?”

Ông Viên Hồng Tiến – Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Nai trả lời:

Hiện nay hoạt động giáo dục pháp luật ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng rất đa dạng, người dân ở nông thôn muốn tìm hiểu pháp luật thì tìm hiểu thông qua các hình thức sau:

Thứ nhất:Tham dự các cuộc tuyên truyền miệng, đây là hình thức phổ biến nhất trong việc giáo dục pháp luật hiện nay không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước trên thế giới.

Thứ hai: Tìm hiểu pháp luật thông qua sách báo, các văn bản pháp luật và các tài liệu có liên quan, giúp cho người dân có thể tiếp cận các văn bản pháp luật một cách chính xác, đơn giản và dễ dàng.

Thứ ba: Tìm hiểu pháp luật trong học đường, đặc biệt là việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Thứ tư: Tìm hiểu pháp luật thông qua Tủ sách pháp luật. Thông qua đó, người đọc có thể tập hợp nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng các quy định pháp luật.

Thứ năm: Tìm hiểu pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở và các loại hình tư vấn pháp luật.

Thứ sáu: Tìm hiểu pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý là sự giúp đỡ miễn phí của các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước.

Ngoài ra người dân nông thôn còn có thể tìm hiểu pháp luật thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khác như:

- Thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật, các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ hoặc các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

- Thông qua ứng dụng công nghệ thông tin: Báo điện tử; Trang thông tin điện tử, mạng Internet; phát thanh truyền hình…

- Thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước thôn, làng, bản, ấp, quy chế cơ quan, điều lệ tổ chức đoàn thể xã hội.

- Thông qua việc ký cam kết không vi phạm pháp luật của cá nhân, gia đình và các tổ chức cộng đồng xã hội./.


Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​