TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 58/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

             Đỗ Thị Anh Đào
          Ngày 04/7/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Liên quan đến các nội dung về triển khai Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, chúng tôi đã liên hệ và phỏng vấn ông Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp để biết thêm các xung quanh thắc mắc của người dân về vấn đề này.
HONG TIEN 17-7-2017.JPG
Hình ảnh. Ông Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp trả lời phỏng vấn.

       Phóng viên: Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2017, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Nghị quyết 58/NQ-CP chỉ mới đưa ra phương án đơn giản hóa thủ tục trong lĩnh vực giấy tờ công dân chứ chưa phải bắt buộc áp dụng ngay. Trong khi các phương tiện truyền thông lại thông tin từ ngày 4-7 sẽ bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch…vậy vấn đề này phải hiểu như thế nào mới đúng?

Trả lời:

Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, theo đó có 15 thủ tục được đơn giản hóa thủ tục hành chính như: đăng ký khai sinh, công chứng, bồi thường Nhà nước, hộ tịch….bãi bỏ gần 20 thủ tục bao gồm:

- Trong lĩnh vực chứng thực: bảo quy định yêu cầu người chứng thực nộp bản sao giấy tờ tùy thân.

- Lĩnh vực quốc tịch: bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài

- Lĩnh vực hộ tịch: bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

- Đăng ký khai sinh: bỏ quy định xuất trình

Đây chỉ là bước đầu triển khai từng nhiệm vụ theo đúng lộ trình được xác định tại mục tiêu của Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cứ giai đoạn 2013 – 2020, chứ không phải bỏ ngay một số thủ tục hành chính trong phạm vi quản lý nhà nước (trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch… ) của Bộ Tư pháp như mọi người thắc mắc.

Tại Điều 2 Nghị quyết 58/NQ-CP cũng xác định giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua tại Điều 1 Nghị quyết, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị quyết có thực hiện được hay không phụ thuộc vào sự hoàn thiện của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nói cách khác khi nào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử cũng như các cơ sở chuyên ngành khác thì lúc đó mới thực hiện được việc miễn giảm giấy tờ trong thủ tục hành chính.

Và theo quy định về điều khoản chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 76 Luật hộ tịch“3. Chính phủ chỉ đạo việc rà soát, bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong Luật; quy định thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn; cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam; chế độ lập, quản lý, sử dụng Sổ hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc theo quy định của Luật này”. Như vậy, dự kiến chậm nhất đến ngày 01/01/2020, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an soạn thảo mới hoàn thành. Thông tin quản lý dân cư đều có trong cơ sở dữ liệu này nên người dân sẽ không trình xuất trình các loại giấy tờ như giấy chứng nhận kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…khi làm thủ tục. Thực tế, không chỉ Nghị quyết số 58/NQ-CP chờ cơ sỡ dữ liệu quốc gia về dân cư mà nhiều quy định khác cũng đang đợi. Về cơ sở dữ liệu hộ tịch, Bộ Tư pháp đã thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, trong năm 2017 thì triển khai thêm 13 tỉnh. Khi dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư được đồng bộ, kết nối sẽ giảm tiếp được nhiều thủ tục, chi phí.

Tóm lại, hiện nay các thủ tục hành chính về tư pháp vẫn thực hiện bình thường theo các quy định hiện hành. Còn Nghị quyết 58/NQ-CP thì chưa thực hiện ngay, mà Bộ Tư pháp đang triển khai thực hiện thí điểm các Đề án theo lộ trình đến năm 2020.

HINH 17-7-2017.JPG
Hình ảnh. Ông Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp hỏi thăm người dân đến liên hệ công tác tại quầy của Sở Tư pháp trong Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên: Theo lộ trình thì việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo Nghị quyết 58 của chính phủ tại Đồng Nai khi nào được triển khai?

Trả lời:

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 13/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phối hợp triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh Đồng Nai đã cụ thể hóa các nội dung Đề án, Kế hoạch của Bộ Tư pháp, cụ thể hiện tại Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao trách nhiệm cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án 896 tại địa phương theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo đề án 896.

Sau khi tỉnh Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo sẽ tập trung, khẩn trương tiến hành triển khai nhiệm vụ rà soát, chỉnh sửa các văn bản do địa phương ban hành trong công tác quản lý dân cư phục vụ việc ứng dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, hiệu quả, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời, khi Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ Tư pháp triển khai các Đề án, các Kế hoạch, Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện ngay theo lộ trình.

KY KET QUY CHE PHOI HOP 17-7-2017.JPG
Hình ảnh. Lễ ký kết quy chế phối hợp thu ngân sách nhà nước giữa Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai với Ngân hàng Vietinbank Đồng Nai

Phóng viên: Lâu nay nhiều người dân còn e dè đến cơ quan tư pháp để làm các giấy tờ liên quan đến hộ tịch vì cho rằng thủ tục còn rờm rà. Trong khi chờ đợi Nghị quyết 58 được triển khai sở có những giải pháp gì nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân đến liên hệ.

Trả lời:

 Trong đời sống của 01 người dân bình thường từ khi sinh ra, lớn lên và mất đi thì có rất nhiều các loại giấy tờ liên quan đến Tư pháp, cụ thể như: giấy khai sinh khi vừa được sinh ra, lớn lên thì làm thủ tục đăng ký kết hôn và khi mất là giấy khai tử. Ngoài ra, còn liên quan đến nhiều loại giấy tờ khác như ghi chú hôn nhân, nhân nuôi con nuôi, cải chính hộ tịch…

Những năm qua, ngành tư pháp nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung đã có nhiều nổ lực trong công tác cải cách hành chính. Toàn tỉnh đã thực hiện đơn giản hóa đối với hơn 900 thủ tục, vượt hơn 34% so với chỉ tiêu. Đồng thời, bãi bỏ hơn 500, sửa đổi hơn 1,6 ngàn và thay thế 37 thủ tục hành chính chưa phù hợp thực tế, còn chồng chéo. Ngoài ra, 286 thủ tục hành chính đã được cập nhật.

Vừa qua, để phục vụ cho hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai, Sở Tư pháp được giao đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành rà soát và tham mưu ban hành mới 1.687 bộ thủ tục hành chính, trong đó cấp tỉnh là 1.346 thủ tục, cấp huyện: 244 thủ tục và cấp xã là 97 thủ tục.

Riêng đối với lĩnh vực Tư pháp có 181 thủ tục trong đó cấp tỉnh là 120 thủ tục; cấp huyện là 30 thủ tục và cấp xã là 31 thủ tục. Toàn ngành quyết tâm giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm trễ cho người dân cụ thể như sau:

- Nếu năm 2013: tỷ lệ trễ hạn là 40%

- Năm 2014: 25%

- Năm 2015: 5%

- Năm 2016: còn 2%

Ý thức được tầm quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thì toàn ngành Tư pháp đã chủ động tiến hành rà soát, đơn giản hóa tối đa các thủ tục rườm rà, phiền hà cho người dân, thủ tục trong thẩm quyền tỉnh thì chủ động kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các bộ ngành, Trung ương tháo gỡ, bãi bỏ. Tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm, thái độ của công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong công tác cải cách hành chính.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​