​ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được thông qua với 454/458 ĐB Quốc hội biểu quyết tán thành

Sáng ngày 20/6/2017, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) với 454/458 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 92,46% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm 9 chương, 78 Điều. Luật quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.
Về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường đồng thời gửi yêu cầu bồi thường tới nhiều cơ quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 40, cụ thể “Trường hợp người yêu cầu bồi thường đồng thời yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại và Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thì cơ quan đã thụ lý yêu cầu bồi thường trước là cơ quan giải quyết bồi thường”.
Ý kiến khác đề nghị quy định kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng qua tổng kết 6 năm thi hành Luật cho thấy đến nay chưa có trường hợp nào giải quyết bồi thường theo trình tự này; Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong từng lĩnh vực; quy định khái quát và bổ sung một số trường hợp được bồi thường cụ thể. Dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung một số trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đang được quy định tại các luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính khả thi của Luật. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại điểm c khoản 6 Điều 17 vì không phù hợp với thực tế, đồng thời, quy định này trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Luật đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát và lược bỏ một số nội dung và chỉnh lý lại quy định tại điểm này.
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị sửa các khoản 5, 6 và 7 Điều 18 Luật về mức bồi thường đối với người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án hoặc bị xét xử bằng nhiều bản án nhưng sau đó được xác định không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại nhiều hơn hoặc bằng thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với khoảng thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành. Thực tiễn thi hành quy định này không có vướng mắc. Có đại biểu đề nghị bỏ đoạn "mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự"; có ý kiến đề nghị bỏ đoạn “hoặc hành vi trái pháp luật của họ đã được xác định tại quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền” tại khoản 5 Điều 19 dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn và đề nghị quy định chỉ trong trường hợp ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật mà người ra bản án, quyết định đó bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự thì Nhà nước mới có trách nhiệm bồi thường. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 5 Điều 19 để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn hoạt động của Tòa án.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Về thiệt hại được bồi thường, có ý kiến đề nghị quy định linh hoạt thời điểm xác định giá trị các thiệt hại được bồi thường tại khoản 2 Điều 22 để áp dụng có lợi hơn cho người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường sau khi đã giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại mà họ không đồng ý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nếu quy định linh hoạt thời điểm xác định giá trị các thiệt hại để lựa chọn áp dụng sẽ làm kéo dài thời gian xác minh thiệt hại và chi phí tốn kém hơn, gây phức tạp và khó khăn trong việc thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 25 thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung này đã được quy định tại Điều 24, do đó, để tránh trùng lặp, đề nghị Quốc hội cho bỏ quy định tại khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật.
Có đại biểu đề nghị làm rõ căn cứ xác định thiệt hại tính theo mức lương tối thiểu vùng và căn cứ xác định thiệt hại tính theo mức lương cơ cở. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, quy định thiệt hại về vật chất được xác định theo mức lương tối thiểu vùng nhằm mục đích phù hợp với mức thu nhập, điều kiện sinh hoạt, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, miền; đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền của người bị thiệt hại, bởi vì mức lương tối thiểu vùng hiện nay cao hơn mức lương cơ sở. Đối với thiệt hại về tinh thần không thể xác định theo vùng, miền, do đó cần lấy mức lương cơ sở làm căn cứ chung để áp dụng với mọi trường hợp.
Về cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truuy tố và xét xử vụ án. Do đó, để giải quyết bồi thường cho người bị oan, các luật hiện hành đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng.
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường, có đại biểu đề nghị bỏ điểm b và điểm c khoản 4 Điều 36; bỏ khoản 5 Điều 37, đồng thời đề nghị chỉnh lý về kỹ thuật tại các khoản nói trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, các quy định nêu trên của dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự. Để tránh cách hiểu không thống nhất, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoản 4 Điều 36 và khoản 5, khoản 6 Điều 37 đã được chỉnh lý lại, bảo đảm chặt chẽ và rõ ràng hơn, như thể hiện trong dự thảo Luật.
Về thương lượng việc bồi thường, có ý kiến đề nghị bổ sung hoặc cân nhắc điều chỉnh thành phần tham gia thương lượng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh lý như điểm c khoản 3 Điều 46 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc thương lượng bồi thường, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và người dân; có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 6 Điều 62 vì trong một số trường hợp đặc biệt, người yêu cầu bồi thường không có khả năng nhận tiền bồi thường trong thời hạn này. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung nguyên tắc thương lượng bồi thường tại khoản 2 Điều 46; đồng thời, bổ sung vào khoản 6 Điều 62 quy định không tính vào thời hạn đối với khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Về phục hồi danh dựmột số ý kiến đề nghị quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung Điều 57  quy định về chủ động phục hồi danh dự; đồng thời, chỉnh lý lại quy định tại các điều 31, 58 và 59 của dự thảo Luật cho phù hợp.
Về trách nhiệm hoàn trảcó ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 64 dự thảo Luật cách thức, phương pháp xác định lỗi của từng người thi hành công vụ gây thiệt hại, căn cứ vào đó xác định mức hoàn trả. Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, việc xác định mức hoàn trả gắn với mức độ lỗi đã được quy định cụ thể tại Điều 65 của dự thảo Luật. Việc tính toán mức độ lỗi làm căn cứ để xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ sẽ do Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả thực hiện theo quy định của Luật.  
Có ý kiến đề nghị tăng mức hoàn trả và xác định dựa trên tỷ lệ phần trăm của số tiền mà Nhà nước đã bồi thường quy định tại Điều 65; ý kiến khác đề nghị giảm mức hoàn trả trong trường hợp có lỗi vô ý; có ý kiến đề nghị lấy mức lương cơ sở làm căn cứ xác định mức hoàn trả hằng tháng của người thi hành công vụ tại Điều 68. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, mức hoàn trả của người thi hành công vụ quy định tại Điều 65 được xác định theo nguyên tắc: một mặt, để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ, mặt khác không làm ảnh hưởng tới việc thực thi công vụ và có tính tới điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ. Qua cân nhắc, tính toán, các phương án khác đều không khả thi.
Ngoài ra, cung có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 66 quy định cơ quan có thẩm quyền cao hơn quyết định vấn đề hoàn trả trong trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả và Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, đối với các kiến nghị của Hội đồng là cơ quan tham mưu nên Thủ trưởng cơ quan có quyền đồng ý hoặc không đồng ý; trường hợp Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng thì có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không nên quy định một cơ quan khác quyết định việc hoàn trả trong trường hợp này.
Có thể nói so với Luật hiện hành, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua ngày 20/6/2017 đã mở rộng hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; quy định rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại, thiệt hại được bồi thường; rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường; xác định rõ hơn cơ quan giải quyết bồi thường và quy định cụ thể về thủ tục phục hồi danh dự; xác định cụ thể và nâng mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 35/2009/QH12 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Nguồn TTTĐT BTP

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​