Sở Tư pháp tổ chức tọa đàm, tuyên truyền truyền hình trực tiếp giới thiệu Luật trẻ em.

Nhân Quốc tế thiếu nhi 01/6/2017 Sở Tư pháp phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Nai tổ chức Truyền hình trực tiếp trên kênh Đồng Nai 2 (ĐNRTV2) tọa đàm Pháp Luật cho mọi người với “Làm gì để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại“. Do đồng chí Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp; Trần Lệ Hằng – Phó Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới - Sở Lao động thương binh và xã hội  tỉnh Đồng Nai; Lê Quang Y- Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai đã giới thiệu kháivề nội dung Luật Trẻ em, được Quốc hội thông qua ngày 05/04/2016 gồm 7 chương, 106 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2017.
image1 (14).JPG
Ông Viên Hồng Tiến - Giám đốc Sở Tư pháp tại buổi truyền hình trực tiếp.
Theo ông Viên Hồng Tiến Luật Trẻ em đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em.
Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, Luật Trẻ em quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em như quyền sống; quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được đảm bảo an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội… So với luật cũ, Luật Trẻ em 2016 bổ sung thêm quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hại, quyền được bày tỏ ý kiến, tiếp cận thông tin và các hoạt động xã hội, quy định 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có bổ sung các nhóm mới như: trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; trẻ em bị bóc lột; trẻ em bị mua bán; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Cụ thể, luật Trẻ em nghiêm cấm hành vi sau đây: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ.

Không cung cấp hoặc che giấu thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực. Người lớn bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em…

Trên hệ thống mạng, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em phải có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em tự biết bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Liên quan đến quyền bí mật đời sống riêng tư, Luật quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Hiện nay, khi công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển và bùng nổ, “xu thế” có rất nhiều bậc cha mẹ thường xuyên đăng ảnh con mình lên mạng xã hội. Điều này vô tình khiến nhiều kẻ xấu lấy hình ảnh để lợi dụng hoặc thực hiện những mục đích xấu khác nhau. Hành vi đăng ảnh con lên các trang mạng của cha mẹ sẽ là vi phạm pháp luật nếu áp dụng Luật Trẻ em từ ngày 1/6/2017.

Luật cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

Đây là chương trình định kỳ hằng tháng nằm trong Kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (2016 – 2020), giữa Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai.Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phát huy vai trò, tính chất công việc của từng cơ quan để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, công tác tuyên truyền.

PL

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​