Những điểm mới của Luật Trẻ em, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017.

“Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Hai câu thơ của Bác Hồ đã cho chúng ta thấy trẻ em luôn cần được chăm sóc, bảo vệ như thế nào. Thời gian qua, vấn đề chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại đang là mối quan tâm của toàn xã hội khi mà liên tiếp những vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi những quy định của pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em trở thành một vấn đề cấp thiết, chính vì vậy Luật Trẻ em mới đã được ban hành. Luật Trẻ em được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 05/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017.

Luật gồm có 07 chương, 106 điều, trong đó quy định rõ về quyền và bổn phận của trẻ em, việc chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.Luật Trẻ em 2016 có nhiều điểm mới đáng chú ý, cụ thể là:

1. Về tên gọi: Tên gọi là Luật Trẻ em thay cho tên Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trước đây để phản ánh một cách tổng quát và đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của Luật.

2. Về khái niệm trẻ em: Luật mới quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi. Đây là một sự thay đổi quan trọng, thể hiện rõ tính nhân văn, trẻ em theo Luật Trẻ em không còn giới hạn là công dân Việt Nam như trước đây mà bao gồm cả người nước ngoài và người không quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này cũng phù hợp với tình hình thực tế vì trên lãnh thổ Việt Nam ngoài công dân Việt Nam thì còn có người nước ngoài và người không quốc tịch sinh sống và đối tượng trẻ em thì đều cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục để phát triển toàn diện.

3. Về quyền và bổn phận của trẻ em:

Quy định về quyền của trẻ em được mở rộng hơn, cụ thể hơn với 25 điều thay vì 10 điều như trước đây. Đầu tiên đó là quyền sống, đây là một điều mới theo quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền sống. Luật Trẻ em giành một điều để quy định về quyền sống.

- Luật mới bổ sung nhiều quyền quan trọng của trẻ em như quyền được giữ gìn, phát huy bản sắc; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; quyền được chăm sóc, thay thế và nhận con nuôi; quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp.

- Đối với quy định về quyền được bảo vệ, Luật mới quy định cụ thể hơn tại các điều từ Điều 25 đến Điều 31 bao gồm quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang.

Ngoài ra, Luật mới cũng giành 2 điều riêng biệt để quy định về quyền của trẻ em khuyết tật, quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

4. Về các cấp độ bảo vệ Trẻ em: Luật mới quy định về 03 cấp độ bảo vệ trẻ em là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp; tương ứng với từng cấp độ sẽ có các biện pháp cụ thể. Điều này cho thấy một sự đổi mới nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn trước những nguy cơ không tốt cho trẻ, đặc biệt là nguy cơ bị xâm hại.

5. Về các hành vi bị nghiêm cấm: Luật mới quy định cụ thể hơn và đầy đủ hơn với 15 hành vi bị nghiêm cấm:tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em.

          6. Về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em: Đây là nội dung mới của Luật nhằm thể chế hóa quy định tại Khoản 1 Điều 37 Hiến phápnăm 2013 “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Luật quy định nội dung, phạm vi, hình thức trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em và biện pháp bảo đảm trong gia đình, nhà trường, cơ sở giáo dục khác và trong cộng đồng.
Để việc thực hiện cơ chế giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

          7. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em:

          Luật Trẻ em quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em bao: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và đặc biệt quy định trách nhiệm của gia đình, cá nhân và cơ sở giáo dục.

Việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, do đó Luật Trẻ em quy định về Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em ở Trung ương để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa các hoạt động nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình thực hiện quyền trẻ em giữa các cơ quan ở Trung ương, các tổ chức, các địa phương. Tùy vào điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập tổ chức giáo dục liên ngành từng cấp để giúp UBND cùng cấp phối hợp đôn đốc, điều hòa và giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Luật Trẻ em năm 2016 là một bước tiến mới trong quy định pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, là nền tảng để đảm bảo việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, giúp cho trẻ em có thể phát triển toàn diện, xứng đáng là những mầm non tương lai của đất nước.

Đồng Hoa - Phòng QLXLVPHC

Liên kết website

Lượt truy cập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI. Giấy phép số: 105/GP-BC ngày 28/07/2005.
Chịu trách nhiệm chính: bà Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
Trụ sở: Số 2, Đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 02513.822528 - Fax: 02513.819833. Email: stp@dongnai.gov.vn
Bản quyền thuộc về Sở Tư Pháp tỉnh Đồng Nai 
® Ghi rõ nguồn "Sở Tư Pháp Đồng Nai" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​